Hé lộ ‘đường dây’ sản xuất, tiêu thụ bia hơi giả mạo nhãn hiệu Bia Hà Nội

Quyền Trung
(SHTT) - Việc sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu Bia Hà Nội không phải vấn đề mới. Nhưng xu hướng ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. Ẩn sau đó là các tiêu cực về nghĩa vụ đóng thuế.

Nhãn hiệu Bia Hà Nội đã được đăng ký bảo hộ từ những năm 1994. Nhãn hiệu gồm: HANOI BEER HABECO, hình; loại nhãn hiệu: thông thường, mẫu nhãn hiệu: Trắng, đen, đỏ, vàng. Nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể. Không bảo hộ riêng “BEER”, hình Chùa Một Cột. Việc được bảo hộ, cùng với chất lượng và hương vị đặc thù đã tạo nên sản phẩm Bia Hà Nội là đặc sản, biểu tượng cho văn hoá Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng từ đây, vì lợi ích kinh tế mà việc sản xuất hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu “Bia Hà Nội” phát sinh ngày càng nhiều, thủ đoạn tinh vi đến mức khó kiểm soát.

Dấu hiệu giả mạo từ khâu sản xuất …

Qua theo dõi một nhà máy sản xuất bia trên địa bàn huyện Hoài Đức (tại đây cũng đặt trụ sở công ty), PV nhận thấy cơ sở này sản xuất bia hơi đóng bom (inox màu xám) loại 50 lít với số lượng lớn.

z3819585543372_b619ce9a3de90529c598855c3c7cfd88

Nhà máy sản xuất bia hơi - “BIA HÀ NỘI SOFT” đặt trên địa bàn Thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Trên thân sản phẩm bom bia có dòng chữ vàng “BIA HÀ NỘI SOFT” trên nền đỏ. Tất nhiên, trên thân bom bia không có thêm thông tin nào về nhà máy và sản phẩm. Điều này khác hoàn toàn với bao bì các sản phẩm bia hơi của Bia Hà Nội (bom inox có tạc dòng chữ HABECO, hoặc in logo nhận diện thương hiệu).

Trao đổi với lãnh đạo công ty, vị này xác nhận công ty đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “BIA HÀ NỘI SOFT”, nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cố gắng lập luận rằng, công ty đã (đi) đăng ký nên được phép sử dụng nhãn hiệu và sản xuất loại bia này.

Kiểm tra dữ liệu quốc gia về đăng ký nhãn hiệu, kết quả cho thấy lời xác nhận của vị lãnh đạo công ty là đúng. Chưa có văn bằng bảo hộ nào cho nhãn hiệu “BIA HÀ NỘI SOFT” được cấp.

Ngoài ra, công ty này đã làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho 04 sản phẩm bia nữa. Tuy nhiên, đã có 02 đơn bị từ chối do có liên quan đến yếu tố “Bia/Beer”, “Hà Nội/Hanoi”, 02 đơn ở trạng thái đang giải quyết (có 01 nhãn hiệu liên quan đến “Bia” và “Hà Nội”). Như vậy, trong 10 năm công ty đã đăng ký tới 05 sản phẩm nhưng chưa sản phẩm nào được cấp văn bằng bảo hộ.

Việc sử dụng cụm từ “BIA HÀ NỘI” để đặt tên cho sản phẩm bia hơi, (rõ ràng) có dấu hiệu tương tự hoặc gây nhầm lẫn đối với sản phẩm Bia Hà Nội. Đây là một dạng xâm phạm nhãn hiệu đã được đăng ký - một dạng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Từ thực tiễn pháp luật và giám định, có ba yếu tố/điều kiện để xác định một sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền là:

1) Đối tượng bị xem xét là dấu hiệu được gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo, phương tiện kinh doanh khác;

2) Đối tượng bị xem xét có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ;

3) Việc sử dụng đối tượng bị xem xét là hành vi không được phép.

Đối tượng bị xem xét ở đây được hiểu là sản phẩm – BIA HÀ NỘI SOFT. Với dấu hiệu “BIA HÀ NỘI” gắn trên thân (bom) sản phẩm. Có nhiều dấu hiệu rõ ràng về việc đã thoả mãn ba điều kiện cấu thành yếu tố xâm phạm quyền theo quy định pháp luật đối với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNDKNH số 205617 của Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội.

Nói rõ thêm, việc sử dụng các từ HÀ NỘI/HANOI gắn với BIA/BEER, hay BEER/ BIA gắn với HANOI/HÀ NỘI đều được coi là gây nhầm lẫn với sản phẩm “Bia Hà Nội” đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Tìm hiểu được biết, trước đây, công ty này cũng sản xuất và cho ra thị thường sản phẩm bom nhỏ bia loại 2 lít gắn mác “STAR BEER HÀ NỘI”. Nhãn hiệu này đã bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Bia Hà Nội”.

Tuy nhiên, theo quan sát, một số lượng sản phẩm, đồ đặc gắn mác “STAR BEER HÀ NỘI” vẫn được sử dụng trên thực tế. Điều đó cho thấy việc sử dụng nhãn hiệu “STAR BEER HÀ NỘI” hay “BIA HÀ NỘI SOFT” không phải do vô ý.

Đến khâu phân phối, tiêu thụ

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất sản phẩm bia có gắn nhãn gây hiểu lầm với “Bia Hà Nội”, khâu vận chuyển và phân phối hàng hoá của nhà máy này còn thể hiện rõ yếu tố chủ đích giả mạo nhãn hiệu.

Cụ thể, nhiều xe tải đến nhà máy chở bia. Thay vì việc gắn mác hãng vận tải hoặc hãng bia/sản phẩm bia được vận chuyển lên xe ô tô, ví dụ ở trường hợp này là: “BIA HÀ NỘI SOFT”, “STAR BEER HÀ NỘI”, thì họ lại gắn lên ô tô các yếu tố của “Bia Hà Nội”: Thùng xe có có gắn nguyên tên “TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BIA – RƯỢU – NƯỚC GIẢI KHÁT HÀ NỘI”, “BIA HƠI HÀ NỘI – BÍ QUYẾT DUY NHẤT – TRUYỀN THỐNG TRĂM NĂM”. Logo “BIA HƠI HÀ NỘI” gắn số điện thoại nhà xe.

z5608579663164_00af20b5a37442abab94ea88c5bae3ad

Xe chở hàng hoá được gắn các yếu tố hình ảnh, thông tin như xe thuộc hệ thống phân phối chính thức của Nhà máy bia Hà Nội.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều xe tải mang biển số tỉnh lẻ không gắn bất cứ hình ảnh nào về bia, tới tập kết, đợi, đóng hàng. Nếu nhìn trên đường, gần như không thể biết các xe này chở bia.

Các xe tải chở sản phẩm đi để phân phối tới nhiều điểm khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều tỉnh xung quanh Hà Nội, xa hơn là nhiều tỉnh phía Bắc.

Theo xe phân phối bia về địa bàn, PV uống thử bia tại quán. Nhân viên (quán bia) cũng khẳng định bia được bán là bia hơi Hà Nội. Khi hỏi nhiều người uống bia tại quán, họ cũng khẳng định bia được uống là bia hơi Hà Nội. Nhiều người uống bia cũng không khỏi tự hào khi ngày nay hệ thống phân phối tốt, ở xa nhà máy bia Hà Nội cũng được uống Bia hơi Hà Nội.

PV nhận thấy, giá bán (tính theo 01 cốc) tại nơi nhập “BIA HÀ NỘI SOFT” ở khu vực ngoại thành không hề thấp hơn giá bán Bia hơi tại cửa hàng của Nhà máy Bia Hà Nội (183 Hoàng Hoa Thám).

Như vậy, về mặt hình thức, tưởng chừng như “BIA HÀ NỘI SOFT” là một sản phẩm thuộc dòng bia hơi của Công ty Bia Hà Nội, và những chủ nhà hàng cũng đang bán một loại nào đó của Bia hơi Hà Nội. Nhiều người uống cũng nghĩ vậy, và họ đang sẵn sàng chi tiền cho việc này mà chưa hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm.

Bóc tách hành vi và thẩm quyền xử lý vi phạm

Việc sản xuất và phân phối sản phẩm “BIA HÀ NỘI SOFT” hay “STAR BEER HÀ NỘI” như nêu trên, có dấu hiệu rõ ràng của việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu “Bia Hà Nội” đã được bảo hộ, ở đây là hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hoá. Tuy nhiên, việc phân loại hành vi để có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp là điều cần thiết.

Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan (Điều 213 Luật năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022).

Thực tế cho thấy nhiều tổ chức, cá nhân vì mục đích thu lợi bất chính hoặc làm giảm uy tín để cạnh tranh không lành mạnh mà xâm phạm nghiêm trọng đến nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác đã được đăng ký bảo hộ thông qua hành vi giả mạo nhãn hiệu đó. Đây là hành vi vi pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm việc giả mạo nhãn hiệu hàng hóa sẽ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bị xử lý hành chính với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng với 02 nhóm hành vi: giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đẻ buôn bán kiếm lời và sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 và 12 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp với mức phạt cao nhất là 03 năm tù.

Việc xác định hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa phạm Tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên từ thực tiễn xét xử hành vi trên, cá nhân chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng Sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì sẽ bị xử lý về Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp; còn nếu hành vi giả mạo đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng quyền Sở hữu công nghiệp và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa thì xử lý về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Quay trở về trường hợp sản phẩm “BIA HÀ NỘI SOFT”. Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ, về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối khu dân cư sống xung quanh nhà máy (liên quan đến quy hoạch xây dựng, sử dụng đất và tiến độ di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư của UBND thành phố Hà Nội), PV đã liên hệ với cơ quan chức năng quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan có thẩm quyền ở địa phương.

Trường hợp hành vi có dấu hiệu rõ ràng của vi phạm với quy mô lớn, diễn ra nhiều năm, trên phạm vi rộng lớn (liên quan đến số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu) cần được đơn vị chức năng như Công an kinh tế, Quản lý thị trường địa bàn khẩn trương kiểm tra. Khi vi phạm được được lập biên bản, cần tiến hành việc dừng sản xuất và thu hồi các sản phẩm bia vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nêu trên, xử lý vi phạm theo quy định.

Nhóm PVPL