Hà Nội: Chú trọng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trường học trong năm học mới

Quyền Trung
(SHTT) - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà vừa qua đã ký ban hành Kế hoạch về việc triển khai công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kế hoạch nhằm tăng cường công tác chỉ đạo điều hành về công tác Y tế trường học tại các cấp quận huyện, xã phường, trường học; củng cố cơ sở vật chất và nhân lực cho công tác y tế trường học; tăng cường công tác truyền thông về dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh. Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học; phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, bệnh tật học đường và sơ cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm trong trường học.Duy trì giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục; đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học.

Đồng thời, tổ chức triển khai các mô hình giám sát, phát hiện, can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường và mở rộng mô hình để hướng tới mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030. Đẩy mạnh việc tham gia Bảo hiểm Y tế của học sinh tại các cơ sở giáo dục để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Phấn đấu năm học 2024-2025, 100% quận huyện, thị xã kiện toàn Ban chỉ đạo Y tế trường học; 100% trường học và các cơ sở giáo dục kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh; 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh, bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị theo quy định; 100% trường học có hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh; 100% trường học và các cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất trường, lớp, khu tập luyện thể thao, trang thiết bị dạy và học; 100% trường học và các cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông, tư vấn các biện pháp về chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh theo các chủ đề khác nhau và phù hợp lứa tuổi; 100% trường học và các cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường ít nhất 1 lần/năm; 100% các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp chuyển tuyến điều trị; 100% trường học và các cơ sở giáo dục thường xuyên theo dõi sức khoẻ phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, phòng chống tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm, bệnh tật học đường; 100% các trường hợp mắc tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm trong trường học được sơ cấp cứu kịp thời; 100% trường học và các cơ sở giáo dục chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch trong trường học, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi; 100% các trường học phối hợp triển khai về tiêm chủng vắc-xin; 100% trường học thường xuyên khử khuẩn, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh; 100% các trường học phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện công tác rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh và tổ chức thực hiện các chiến dịch tiêm chủng bổ sung, nhắc lại các loại vắc xin phòng bệnh. 

Ngoài ra, 100% quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai và nhân rộng mô hình điểm tại trường học phù hợp tình hình thực tế tại địa phương góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc bệnh tật, nâng cao sức khoẻ học sinh; 100% học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục tham gia Bảo hiểm y tế.

1

 

15 nội dung nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trong trường học năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội

Theo nội dung kế hoạch, UBND Thành phố yêu cầu thực hiện 15 nội dung bao gồm: 

1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học các cấp; Các trường học kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh.

2. Bố trí phòng y tế riêng, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh, bảo đảm cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu.

3. Bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ y tế trường học hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế trường học.

4. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các trường học theo chuẩn; chú ý đảm bảo các điều kiện tạo môi trường an toàn trong trường học.

5. Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, hóa chất làm vệ sinh, dung dịch khử khuẩn, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên; nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, thân thiện và sử dụng tốt.

6. Tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua các hoạt động giảng dạy chính khoá, ngoại khoá. Tuyên truyền về phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tác hại của các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại của rượu bia, thuốc lá/thuốc lá điện tử, phòng chống mối nguy từ các loại ma túy. Các biện pháp rèn luyện thể lực, xây dựng lối sống lành mạnh, phòng chống nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho học sinh. 

7. Triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe trong trường học: Khám sức khỏe định kỳ; khám sức khỏe theo chuyên khoa, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, mắt học đường, nha học đường cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường. 

8. Thường xuyên theo dõi sức khoẻ học sinh, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, tình trạng thừa cân, béo phì, bệnh tật học đường.

9. Các trường học và các cơ sở giáo dục chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh, ổ dịch trong trường học.

10. Tổ chức rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh đối với một số dịch bệnh có vắc xin phòng có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn Thành phố và xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin phòng bệnh có nguy cơ bùng phát dịch. 

11. Tổng vệ sinh môi trường đầu năm học và duy trì thực hiện vệ sinh khử khuẩn thường xuyên và đảm bảo công tác phòng chống dịch trong các kỳ thi.

12. Tổ chức và tiếp tục củng cố, duy trì, nhân rộng các mô hình điểm chăm sóc sức khỏe học sinh. Lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường với các hoạt động khác.

13. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học: Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường có tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học. 

14. Tuyên truyền, vận động học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục tham gia bảo hiểm y tế.

15. Tổ chức các hoạt động điều tra, kiểm tra, đánh giá về công tác y tế học đường, phòng chống chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên trong các trường học.

image-20230915171211-1

 

Để đạt được những mục tiêu Kế hoạch đề ra, UBND Thành phố giao Sở Y tế là cơ quan thường trực, chủ động phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức, triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác y tế trường học trên địa bàn Thành phố. Phối hợp Sở Giáo dục tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ y tế trường học và cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác y tế trường học về chuyên môn nghiệp vụ y tế trong trường học.

Sở Y tế Thành phố thực hiện chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở, đơn vị khám chữa bệnh sẵn sàng ký hợp đồng cung ứng dịch vụ y tế cho các trường học trên địa bàn; các đơn vị trực thuộc Sở Y tế phối hợp tổ chức tốt hoạt động khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường. Đồng thời, hướng dẫn, triển khai các hoạt động chuyên môn trong việc tổ chức, duy trì, đánh giá hiệu quả và nhân rộng các mô hình điểm. Tổ chức điều tra, đánh giá, kiểm tra về y tế học đường, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên trong trường học. Phối hợp các Sở, ngành kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học tại các quận huyện, thị xã; các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. 

Sở Giáo dục và Đào tạo được giao chỉ đạo việc củng cố và tăng cường hoạt động của Ban chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học. Hướng dẫn, bố trí kinh phí cho các trường học chưa có nhân viên y tế được ký hợp đồng với cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nhiệm vụ y tế trường học. Chỉ đạo các trường bố trí phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh; triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học; hoạt động phòng chống tai nạn thương tích - xây dựng trường học an toàn. Chỉ đạo các Phòng Giáo dục quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng trong nhà trường theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đưa y tế trường học vào các chỉ tiêu thi đua của ngành Giáo dục và Đào tạo và Đào tạo.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng được yêu cầu phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cấp, cải tạo phòng học đủ diện tích và ánh sáng tự nhiên, các phòng chức năng, bàn ghế, bảng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học; đảm bảo vệ sinh môi trường trong trường học, hệ thống cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định. Tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động y tế trường học tại các quận huyện và trường học trên địa bàn.

Quỳnh Trang