Dự án thùng rác công nghệ: Chỗ làm quán nước, nơi biến thành điểm tập kết rác

Quyền Trung
(SHTT) - Sau khi Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đăng tải bài viết “Thùng rác công nghệ, chưa cấp phép vẫn quảng cáo tràn lan”, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh về vấn đề biển quảng cáo này. Để có cái nhìn rõ nét hơn, phóng viên đã “mục sở thị” mà người dân phản ánh.

Với kỳ vọng tạo được thói quen giữ vệ sinh chung nơi công cộng, Hà Nội đưa vào lắp đặt khoảng 11.000 thùng rác công nghệ do Công ty CP Công nghệ xanh Goda làm chủ đầu tư. Điều đặc biệt ở loại thùng rác công nghệ này có lắp kèm trên mái che tấm pin năng lượng mặt trời để vừa thắp sáng cảnh quan đô thị, vừa để người dân dễ nhận diện ra thùng để bỏ rác mỗi đêm về. Ý tưởng là vậy, thực tế sau gần 5 năm thử nghiệm, những thùng rác công nghệ giờ ra sao?

Từ ý tưởng ban đầu

Theo đó, có 2 loại thùng rác công nghệ được đưa vào lắp đặt thử nghiệm. Loại thứ nhất có kích thước nhỏ, gọn. Phần bảng quảng cáo và hộp đèn nằm sát gần khay chứa rác hơn. Loại thứ hai được thiết kế thêm phần cột chống ngăn cách giữa biển quảng cáo và khay chứa rác. Loại thùng này có tổng chiều cao cao hơn loại thùng thứ nhất.

THUNG RAC

Thùng rác công nghệ được triển khai lắp đặt thí điểm trên một số tuyến phố

Phần thùng đựng rác được thiết kế 2 ngăn riêng biệt. Một ngăn sẽ chứa đựng loại rác tái chế, thùng còn lại sẽ chứa những loại rác không tái chế. Mỗi thùng được đặt cách nhau khoảng 50 mét đảm bảo đủ không gian cho người đi bộ trên vỉa hè. Mỗi thùng có dung tích khoảng 80 lít.

Ngoài chức năng chứa rác thông thường, phần mái của thùng rác này còn được tích hợp một tấm sạc năng lượng mặt trời với Pin Lithium để tích điện thắp sáng cho bóng đèn Led công suất 20W. Vừa chiếu sáng để người dân nhận diện ra thùng rác, vừa là biển quảng cáo, thắp sáng cảnh quan đô thị.

Sau khi lắp đặt tại một số tuyến phố, thùng rác công nghệ được đánh giá khá cao về bài toán rác thải công cộng. “Không chỉ nâng cao ý thức của người dân nơi công cộng, nó còn tôn thêm vẻ đẹp của thành phố mỗi đêm về” – Anh Nguyễn Văn Kiên (Văn Quán – Hà Đông) chia sẻ.

“Công nhân quét rác như chúng tôi cũng bớt vất vả hơn. Như trước đây, mỗi ca trực phải quét vài kilomet đường, vỉa hè. Nhưng khi có thùng rác, những người có ý thức thì họ sẽ bỏ vào thùng, chúng tôi chỉ việc gom các thùng lại” – chị Vũ Thị Trúc, công nhân vệ sinh môi trường phường Láng Hạ cho hay.

THUNG RAC2

Ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển thùng rác đã bị “biến mất”, thay vào đó là một thùng đựng rác khác và đặc biệt rác được vứt bỏ tràn ra ngoài.

Đến thực tế thảm hại

Tuy nhiên, sau 5 năm trôi qua, theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến phố, nơi thì bị chiếm làm nơi bán hàng, chỗ chỉ còn trơ biển quảng cáo. Điều đặc biệt, có chỗ trở thành bãi chứa rác cho những hộ gia đình gần đó.

Chị Thu Phương, chủ một hiệu sách trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân cho biết: “Trước đây thấy có thùng rác, những người đi bộ trên vỉa hè rất thuận tiện để họ bỏ khẩu trang, túi ni lông hoặc vật phẩm gì đó. Nhưng chẳng hiểu sao chừng 3 tháng nay thùng rác không còn, chỉ còn mỗi biển quảng cáo và tấm pin năng lượng để thắp sáng về đêm”.

Khi được hỏi về hiệu quả, cảnh quan về thùng rác công nghệ này, chị Thu Phương nói: “Rất tiện ích. Tuy nhiên, có một điều khó khăn là những người dân quanh khu vực có thùng rác họ đã không phân biệt được là thùng rác ấy là phục vụ cho những khách công cộng, chứ không phải để phục vụ cho những gia đình quanh đó. Có những nhà mang cả túi bóng rác của gia đình mình ra để bỏ vào thì bỏ làm sao được” – Chị Thu Phương cho hay.

THUNG RAC3

Sau 5 năm đưa vào sử dụng, thùng rác công nghệ đã không đưa lại hiệu quả. Một thùng rác trên đường Giảng Võ bị chiếm dụng làm chỗ bán nước

Bác Nguyễn Văn Tiến (70 tuổi, ở Giảng Võ – Ba Đình) cho biết, đưa hệ thống thùng rác công nghệ vào công cộng là khá tốt, vừa nâng cao ý thức xả rác thải ra đường và tôn thêm vẻ đẹp của Thủ đô chúng ta. “Ngay trước nhà con trai tôi cũng được lắp đặt một thùng rác. Tuy nhiên, người đi lại bỏ rác thì ít, người dân xung quanh đổ rác nhà mình ra thì nhiều. Có hôm một quán ăn gần đó bỏ cả túi vỏ cua, vỏ tôm, cá…ra khiến những nhà sống gần đó khốn khổ” – bác Tiến bức xúc cho hay.

Cũng theo bác Tiến, ngoài nâng cao ý thức của dân khi sinh hoạt ở nơi công cộng ra thì cần phải có một chế tài xử lý nào đó đối với những người dân sống xung quanh thùng rác công nghệ. “Họ mang cả xô rác thải của gia đình ra để đổ vào thùng rác công nghệ thì thùng nào chứa cho hết. Có người thấy thùng đầy thì họ vất bừa ngay ra ngoài. Thế thì nghiễm nhiên thùng rác trở thành nơi chứa rác mất rồi” – bác Tiến phân tích thêm.

THUNG RAV4

Thùng rác đã bị “biến mất” chỉ còn cột và biển quảng cáo.

Ngày 27/04/2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản số 3147/SVHTT-QLVH báo cáo UBND Tp. Hà Nộ về việc tổng hợp kết quả thí điểm quảng cáo trên hệ thống thùng rác công nghệ kèm quảng cáo. Báo cáo này ghi rõ: Từ tháng 01/2023, đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao chưa phê duyệt nội dung thực hiện quảng cáo tại hệ thống TRCN và chưa xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện thí điểm quảng cáo trên hệ thông TRCN của Công ty Cp công nghệ xanh Goda.

Vậy, những tấm biển quảng cáo đã đưa vào quảng cáo cho các sản phẩm trên các tuyến phố Hà Nội cũng như việc công ty này liên tục chào hàng các nhà quảng cáo đang thực hiện “chui”?!

Chúng tôi sẽ tiếp tục phán ảnh về sự việc trên

Nhóm PV