Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005, có hiệu lực năm 2006, đến nay, Luật qua đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019 và 2022; các nội dung sửa đổi, bổ sung năm 2022 sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2023. Mặc dù các thay đổi tập trung vào các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan và trình tự, thủ tục, điều kiện xác lập quyền bảo hộ… song Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 cũng có nhiều nội dung mới có liên quan trực tiếp đến hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường trong thực thi, xử lý vi phạm.
Đối với các quy định về nhãn hiệu: Bổ sung dấu hiệu âm thanh có thể được bảo hộ làm nhãn hiệu với điều kiện phải thể hiện được dưới dạng đồ họa. Tuy nhiên, nội dung này chưa được hướng dẫn cụ thể (đồ họa dạng khuông nhạc lý, lời hát, biểu đồ sóng âm...).
Trên thực tế, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc hàng hóa, quần áo, giày dép giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Vụ việc kiểm tra, xử lý dép giả mạo nhãn hiệu |
Sửa đổi quy định nhãn hiệu nổi tiếng theo hướng thu hẹp phạm vi và đối tượng xem xét lấy ý kiến khi đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng. Từ quy định “là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam” thành “là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam”.
Bên cạnh đó, việc xác định một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xem xét, đánh giá yếu tố xâm phạm, hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng (nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng) được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Đồng thời, các tiêu chí để đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng cũng được quy định mang tính “mở” hơn, thay bằng quy định trước đây phải xem xét, đánh giá toàn bộ các tiêu chí tại Điều 75 Luật thì nay, là việc xem xét một, một số hoặc tất cả các tiêu chí.
Đơn cử như vụ Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đồng loạt ập vào xưởng sản xuất và kho chứa hàng hoá là sản phẩm sa tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại tỉnh Bắc Ninh cuối năm 2021.
Nhiều vụ việc giả mạo nhãn hiệu sa tế đã bị phát hiện xử lý trong năm qua |
Bên cạnh đó, Luật bãi bỏ quy định về nhãn hiệu liên kết. Tuy nhiên, điều khoản chuyển tiếp không quy định trực tiếp về hiệu lực của các nhãn hiệu liên kết đã được cấp văn bằng trước thời điểm 01/01/2023.
Ngoài ra, bổ sung quy định về “dụng ý xấu” khi thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: Đây là thuật ngữ pháp lý lần đầu tiên được bổ sung vào Điều 96 và Điều 117 nhằm khắc phục tình trạng “đầu cơ nhãn hiệu”, xu hướng đang gia tăng gần đây dựa trên quy định “nộp đơn đầu tiên”.
Với quy định về “dụng ý xấu”, chủ nhãn hiệu có thêm một cơ sở pháp lý quan trọng để phản đối hiệu lực của nhãn hiệu do bên thứ ba đã nộp đơn hoặc đăng ký trên cơ sở không trung thực (dụng ý xấu) qua đó giành lại quyền nhãn hiệu của mình theo thủ tục phản đối hoặc hủy bỏ nhãn hiệu. Đồng thời tạo thuận lợi cho cơ quan thực thi trong quá trình xử lý các đơn yêu cầu xử lý xâm phạm của chủ văn bằng “đầu cơ nhãn hiệu” yêu cầu xử lý đơn vị sản xuất kinh doanh trung thực, ngay tình.
Về chỉ dẫn địa lý: Bổ sung quy định về chỉ dẫn địa lý đồng âm, là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau. Tuy nhiên, quy định này chỉ dừng, giới hạn ở chỉ dẫn địa lý (dựa trên thực tế tên riêng đơn vị hành chính hoặc khu vực tạo nên nguồn gốc địa lý của sản phẩm có thể trùng nhau về phát âm hoặc cách viết), không bao gồm nhãn hiệu.
Mở rộng khái niệm kiểu dáng công nghiệp, là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp”. Như vậy, các bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp (ví dụ: chi tiết nhựa tạo hình cho xe máy…) cũng có thể là đối tượng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Về điều kiện kinh doanh dịch đại diện sở hữu công nghiệp: Được quy định theo hướng “mở” hơn về mô hình “tổ chức” (thêm chủ thể là hợp tác xã), điều kiện về Chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Do đó, việc xác định tư cách chủ thể trước khi tiếp nhận thông tin, phối hợp trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm cần được ưu tiên thực hiện.
Về xử lý vi phạm: Bổ sung quy định pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước đây, quy định chịu trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng với cá nhân. Khái niệm hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ được sửa đổi, tách biệt thành 2 khoản riêng biệt thuộc Điều 213 với 02 trường hợp giả mạo là “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” và “hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý”. Nội hàm của từng trường hợp cũng được điều chỉnh, đặc biệt là quy định về giả mạo chỉ dẫn địa lý. Trước đây, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý được gọi chung là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.
Quy định về các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được chỉnh lý kỹ thuật theo hướng dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.