Đào tạo nghề: Giải pháp tạo việc làm cho người lao động

Quyền Trung
Giải quyết việc làm cho người lao động luôn là một trong những vấn đề được tỉnh Quảng Ninh quan tâm. Điều này góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội, đảm bảo giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Là thành phố thủ phủ của tỉnh, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được TP Hạ Long chú trọng thực hiện. 8 tháng năm 2024, thành phố phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn giải quyết việc làm cho 6.614 lao động. Cùng với đó, thành phố đã tổ chức 3 lớp đào tạo nghề sơ cấp cho 60 học viên là người dân tộc thiểu số; cập nhật nhu cầu tuyển sinh đào tạo nghề của 3 trường nghề trên địa bàn đến các tổ chức chính trị - xã hội, thành đoàn và 33 xã, phường.

1

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. 

Thành phố còn phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề khảo sát mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động dân tộc thiểu số trên địa bàn; chỉ đạo các trường nghề chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp đào tạo nâng cao năng lực nghề cho người lao động, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập nghề; chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chủ động tự đào tạo nghề…

Không chỉ TP Hạ Long mà công tác tạo việc làm cho người lao động được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh xem trọng. Trước hết, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án, thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) để tạo công ăn việc làm cho người dân.

Theo đó, tỉnh tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2025; xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, khuyến khích thu hút FDI tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2030. Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 8 tháng trên địa bàn tỉnh đạt 1.774,06 triệu USD, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt trên 17.204 tỷ đồng.

2

Công nhân Công ty TNHH Competittion Team Technology Việt Nam (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên) đóng gói sản phẩm. Ảnh: Hạ An 

Trong 8 tháng năm 2024, có 1.270 doanh nghiệp thành lập mới, 544 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh là 11.653 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh còn khuyến khích thành lập các HTX tạo nghề nghiệp ổn định cho bà con. 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập mới 174 HTX, nâng tổng số HTX đang hoạt động, có kê khai thuế trên địa bàn tỉnh là 674 HTX.

Tỉnh tiếp tục thúc đẩy phát triển các ngành nghề tạo việc làm cho lao động. Tiêu biểu là việc tập trung triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch mang đến trải nghiệm du lịch 4 mùa cho du khách trong nước và quốc tế; đưa một số sản phẩm du lịch mới vào khai thác như: Tổ hợp vui chơi giải trí ngọn Hải Đăng, các dịch vụ du thuyền đẳng cấp chất lượng cao kết nối vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long… Đồng thời khuyến khích các mô hình nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn.

3

 Việc khuyến khích thành lập, phát triển các HTX góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Trong ảnh: Vườn cam của xã viên HTX Cam 10/10, huyện Vân Đồn. Ảnh: Cao Quỳnh

Cùng với đó, Quảng Ninh còn chú trọng đến đào tạo nghề gắn với tình hình thực tế ở địa phương và nhu cầu tuyển dụng trước mắt, lâu dài của các doanh nghiệp. Tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Tạo chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp thông qua hội thảo nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho 20.339 người, trong đó 296 cao đẳng, 939 trung cấp; còn lại là sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 6 tháng đầu năm 2024 đạt 86,64%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 50,46%.

Để kết nối nhu cầu việc làm giữa người dân và doanh nghiệp, 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh cũng đã tổ chức 12 phiên sàn giao dịch việc làm định kỳ, 2 buổi sàn giao dịch việc làm online với 6 tỉnh thành khu vực phía Bắc, tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2024 tại TP Móng Cái và TX Đông Triều. Đồng thời tư vấn, giới thiệu học nghề, chính sách việc làm, tuyển dụng cho hàng nghìn lao động…

Nhờ đa dạng các giải pháp, 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 18.900 lượt lao động, đạt 63% kế hoạch năm, tăng 19% so với cùng kỳ 2023. Trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 587 người. Điều này góp phần ổn định cuộc sống của nhiều gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó giảm đáng kể. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giảm 121/246 hộ nghèo, giảm 828 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.

Thu Nguyệt