Năm 2023 được đánh giá là năm sôi động của thị trường nhượng quyền tại Việt Nam. Bên cạnh những cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ nhân bản nhanh mô hình, bên nhận quyền cần có những lưu ý trước “bẫy thông tin” khi quyết định lựa chọn mua nhượng quyền.
Thị trường nhượng quyền sôi động
Mặc dù liên tục bị ảnh hưởng bởi thách thức về kinh tế nhưng thị trường nhượng quyền vẫn rất sôi động. Theo các chuyên gia đánh giá, năm 2023, phân khúc nhượng quyền đầu tư thấp tăng trưởng mạnh, phổ biến là kiosk (ki-ốt) hoặc cửa hàng ẩm thực, cà phê, trà sữa quy mô nhỏ. Phân khúc nhượng quyền đầu tư vừa phải, chủ yếu là cửa hàng ẩm thực có tốc độ tăng trưởng ổn định.
Đặc biệt, ở phân khúc nhượng quyền có mức đầu tư cao vẫn tăng trưởng ổn định, vì đối tượng nhận quyền là các doanh nghiệp chuyên nghiệp, có sự am hiểu thị trường và kinh doanh cũng như đủ nguồn lực để triển khai các cửa hàng. Lĩnh vực nhượng quyền về bán lẻ, giáo dục, ẩm thực,… vẫn tăng trưởng mạnh nhất.
Theo ông Đỗ Duy Thanh - sáng lập kiêm Giám đốc Viet Franchise và Công ty Tư vấn F&B Director, khi kinh tế có dấu hiệu khủng hoảng thì nhượng quyền trở thành kênh được quan tâm hàng đầu cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Bên nhượng quyền sẽ huy động được nguồn vốn để mở rộng hệ thống trong khi bên nhận quyền thường tin vào các hệ thống có nhiều cửa hàng là họ có uy tín và mang đến tiềm năng sinh lời.
Bên cạnh đó, truyền thông mạng xã hội, đặc biệt là TikTok giúp các thương hiệu nhượng quyền tăng cường tầm ảnh hưởng, thu hút cũng như giáo dục các bên nhận quyền về tiềm năng kinh doanh nhượng quyền.
Cũng theo ông Thanh, một số các thương hiệu lợi dụng tâm lý đầu tư an toàn nên hay sử dụng các từ khóa như “thu hồi vốn nhanh” “tỷ suất đầu tư cao”,… để chiêu dụ các bên nhận quyền thiếu hiểu biết về kinh doanh. Một số thương hiệu khác với mô hình nhượng quyền vốn đầu tư rất thấp như các ki-ốt ẩm thực đường phố lợi dụng tỷ lệ thất nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng để tiếp cận nhóm đối tượng này mua nhượng quyền với kỳ vọng đổi đời, biến người thất nghiệp thành người chủ.
Vị này cũng đưa ra lời khuyên cho người nhận quyền là cần thông thái trong cách tiếp nhận thông tin, có phân tích thị trường và tài chính rõ ràng trước khi ra bất cứ quyết định nào. Bên cạnh đó, nên có khảo sát độc lập xem các thông tin bên nhượng quyền đưa ra có hợp lý, chính xác hay không, đồng thời, nên tham khảo thực tế tại các cửa hàng nhận quyền đang tồn tại để có thêm đối sánh dữ liệu và tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.
Mua nhượng quyền có nên chạy theo trend?
Kinh doanh bán lẻ hoặc ẩm thực luôn hướng vào hiệu ứng đám đông để truyền thông thu hút khách hàng. Đây cũng là phương thức chính của các thương hiệu khi phát triển chiến dịch nhượng quyền thương mại.
Theo ông Thanh, việc các thương hiệu phát triển ồ ạt cũng đặt ra một câu hỏi lớn về khả năng kiểm soát hệ thống, chất lượng sản phẩm dịch vụ và mức độ hỗ trợ của bên nhượng quyền với bên nhận quyền. Các bên nhận quyền dùng tiền của mình để phát triển thương hiệu của người khác nên có sự tìm hiểu, tính toán kỹ trước khi xuống tiền.
Bên cạnh đó, trong ngành F&B, nhiều chuyên gia cũng cho rằng những thương hiệu chạy theo trend sẽ tinh gọn và thu hồi vốn nhanh, khi lỗ vốn thì sẽ cắt lỗ và chuyển đổi mô hình. Đối với những mô hình nhượng quyền dạng cứng có thương hiệu lớn và vòng đời của cửa hàng dài hơn thường có chi phí nhượng quyền cao, đòi hỏi người mua nhượng quyền phải đầu tư dài hạn. Khi đó, rủi ro của một số bên mua nhượng quyền là đầu tư nhiều tiền mà lại chạy theo trend. Trong ngành F&B, việc mua nhượng quyền phụ thuộc vào nhiều tiêu chí đánh giá như sản phẩm lõi, năng lực vận hành, năng lực marketing,…
Ông Hồ Thanh Thảo - Luật sư điều hành tại HT Partners Law&IP - cũng đưa ra lưu ý với bên nhận quyền trước khi xuống tiền cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ tình hình kinh doanh của bên nhượng quyền. Thông thường, hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền phải được hoạt động ít nhất 1 năm.