4 nguyên tắc truy xuất nguồn gốc giúp nâng tầm thương hiệu

Quyền Trung
(SHTT) - Việc quy định rõ nội dung quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường truy xuất nguồn gốc theo sự phát triển của thế giới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Theo Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu giúp người tiêu dùng tìm hiểu thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, giúp truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

Truy xuất nguồn gốc dựa trên 4 nguyên tắc:

Thứ nhất là nguyên tắc một bước trước - một bước sau, nghĩa là bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa.

Thứ hai là nguyên tắc sẵn có của phần tử dữ liệu chính, nghĩa là các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong báo cáo chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

Thứ ba là nguyên tắc minh bạch, nghĩa là hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

Thứ tư là nguyên tắc tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc, nghĩa là hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia đầy đủ của các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.

truy xuat nguon goc1

Quy trình xây dựng hệ thống truy xuất hàng hóa

Bước 1: Tiến hành khảo sát: Về quy mô sản xuất sản phẩm từ khâu mua nguyên vật liệu cho đến nơi chế biến, vận chuyển và khi sản phẩm hoàn thiện ra thị trường. Nhà cung cấp giải pháp sẽ theo dõi sát sao từng quá trình, công đoạn để hình thành sản phẩm để đảm bảo những thông tin cung cấp tới khách hàng được chính xác và cụ thể nhất.

Bước 2: Tiến hành lên quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Sao cho phù hợp với quá trình hoạt động và các quy chuẩn của doanh nghiệp, đảm bảo khi truy xuất, người tiêu dùng sẽ biết được từng công đoạn, từng thời điểm của quá trình hình thành, chế biến và phân phối.

Bước 3: Xây dựng biểu mẫu truy xuất nguồn gốc: Giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập thông tin sản xuất, nguyên liệu vật liệu sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm… Dựa vào biểu mẫu này, nhà cung cấp giải pháp sẽ xây dựng sao cho phù hợp với đặc thù của sản phẩm.

Bước 4: Nhà cung cấp thiết lập hệ thống phần mềm: Theo đúng yêu cầu của mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh để người dùng dễ thực hiện cũng như thể hiện đầy đủ thông tin mà doanh nghiệp muốn gửi tới khách hàng.

Bước 5: Đào tạo sử dụng hệ thống phần mềm: Khi sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hóa, người dùng sẽ được hướng dẫn, đào tạo sử dụng hệ thống phần mềm để có thể dễ dàng tiếp cận cũng như sử dụng.

Bước 6: Triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc: Khách hàng tiến hành truy xuất nguồn gốc thông qua hệ thống phần mềm đã xây dựng. Trong quá trình sử dụng, người dùng sẽ liên hệ trực tiếp với tư vấn viên để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Các chuyên gia đánh giá, truy xuất nguồn gốc mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Một trong những lợi ích đầu tiên mà chúng ta phải kể đến đó chính là bảo vệ thương hiệu uy tín và nâng tầm giá trị doanh nghiệp một cách hiệu quả. Với thao tác quét mã đơn giản, nhà sản xuất có thể truyền tải mọi thông tin đến tay người tiêu dùng.

Tiếp đó, truy xuất nguồn gốc giúp tăng tính cạnh tranh, kích thích hành vi mua hàng. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với những sản phẩm nông lâm thủy sản,... Vì vậy, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng. Ngoài ra, với mỗi doanh nghiệp, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà nó còn là cách các doanh nghiệp đang chung tay góp sức bảo vệ lợi ích cộng đồng, đẩy lùi hàng giả hàng nhái ra khỏi thị trường Việt Nam.

PV