10 thay đổi lớn trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022

Quyền Trung
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.

Tại tọa đàm Luật sư Lê Quang Vinh, đồng sáng lập của Bross & Partners, đã trình bày về chuyên đề “Tổng quan về những điểm nổi bật trong quá trình sửa đổi Luật SHTT 2022”. Cụ thể luật sư Lê Quang Vinh đã chỉ ra 10 điểm thay đổi lớn nhất trong luật thay đổi.

Đầu tiên là về Quyền sử dụng sáng chế nhân danh nhà nước trong điều 133 của Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2019 đã được điều chiều chỉnh và bổ sung thêm điều 133a.

Theo điều 133a, Quyền của Nhà nước đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng trong các trường hợp sau đây: Người nắm độc quyền sử dụng không thực hiện trong một thời gian hợp lý các biện pháp hiệu quả để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn; Việc sử dụng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, bảo đảm dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.

luat su vinh

Luật sư Lê Quang Vinh nhận định: “Điều luật được bổ sung này đã giải quyết ách tắc bao lâu nay. Góp phần làm tăng tỷ lệ % số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt so với người nước ngoài vì luật đã giúp giải quyết được vấn đề quyền đăng ký, nghĩa vụ đăng ký sáng chế, chia sẻ lợi ích giữa tác giả, tổ chức chủ trì, nhà nước, chủ thể trung gian”.

Điều thay đổi thứ 2 là “Bổ sung cơ chế mới cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN) người việc vẫn giữ nguyên cơ chế cũ là văn bản nêu ý kiến của người thứ ba cốn chỉ đóng vai trò làm nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đang ký SHCN”.

Theo điều 112a được bổ sung trong Luật SHTT 2022:

1. Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ:

a) Chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố;

b) Bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố;

c) Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;

d) Ba tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố.

2. Ý kiến phản đối quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối quy định tại khoản 2 Điều này theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

Điều này cho thấy, sự khác biệt giữa 2 cơ chế: trong khi quyền nộp văn bản nêu ý kiến bởi người thứ ba có thể được thực hiện tính từ thời điểm đơn đăng ký SHCN được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp cho đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ thì quyền nộp đơn phản đối đơn đăng ký SHCN lại bị giới hạn trong vòng không quá 9 tháng, 4 tháng, 5 tháng và 3 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tương ứng được công bố, ông Vinh chia sẻ.

luat shtt

Thay đổi thứ 3, luật bổ sung thêm nhiều căn cứ phản đối đơn đăng kí sáng chế, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, cũng như bổ sung nhiều căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Đặc biệt là có thêm quy định về sáng chế mật ở điều 4 khoản 12a: Sáng chế mật là sáng chế được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Luật sư Vinh cho rằng: “Quy định này nhằm tách riêng giữa sáng chế và sáng chế mật để kiểm soát an ninh đối với sáng chế đăng ký ra nước ngoài. Do đó, giúp phân định các đối tượng không phải là sáng chế mật để chủ thể có thể tự do bảo hộ sáng chế ở nước ngoài theo cách nhanh hơn như mình mong muốn”.

Vấn đề số 5 trong 10 điều thay đổi lớn của luật SHTT trong chuyên đề là về định nghĩa tác giả, đồng tác giả và quy định không công nhận tư cách tác giả, đồng tác giả đối với người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người sáng tạo ra tác phẩm.

Tiếp đó là những thay đổi của luật về vấn đề tác phẩm phái sinh. Ở điều 4.8 trong Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2019, định nghĩa về tác phẩm phái sinh “là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ ngày sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú thích, tuyển chọn”.

Theo luật sư Vinh điều này chưa đủ để giải quyết các tình huống trong thực thế có thể xảy ra. Bởi vậy, trong luật sửa đổi năm 2022 đã định nghĩa “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phong tác, biên soạn, chú thích, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác” để phù hợp hơn với thực tiễn. Bên cạnh đó, thuật ngữ tiền bản quyền cũng được thêm vào điều 4.10a “Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao”.

Trong bài phát biểu, Luật sư Lê Quang Vinh nhất mạnh rằng, Quy định tư cách thụ hưởng quyền nhân thân đầy đủ (trừ quyền công bố) đối với tác phẩm điện ảnh chỉ được trao cho biên kịch và đạo diễn trong luật mới đã chỉ rất rõ cụ thể các quyền lợi về quyền tác giả đối ở các vị trí khác nhau trong tác phẩm được nhận. Điều này đã cải tiến hơn rất nhiều so với luật cũ là quyền lợi của các vị trí không được rõ ràng. Đặc biệt, điểm c, điều 21.1 trong luật mới “Tổ chức cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có thể thỏa thuận với những người quy định tại điểm a khoản này về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm [...]”.

Tiếp đó, trong luật mới, lần đầu Quy định ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả cho người khuyết tật; mở rộng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; quy định về cơ chế quy trách nhiệm/miễn trách nhiệm pháp lý đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet; quy định về cơ chế quy trách nhiệm/ miễn trách nhiệm pháp lý đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet. Việc quy/miễn trách nhiệm pháp lý đối với ISP không chỉ có ý nghĩa bảo hộ pháp lý cho chủ thể quyền trên môi trường số mà còn giúp tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế dựa trên internet.

Trước những thay đổi lớn của Luật SHTT 2022, Luật sư Lê Quang Vinh nhận định rằng: “Luật SHTT 2022 là đạo luật có tầm ảnh hưởng và tác động lớn đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế từ giải trí, học tập, công nghệ, chuyển giao công nghệ cho đến thương mại hóa tài sản vô hình, trong đó đặc biệt là hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời gian tới”.

Mỹ Tâm