Vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp bất chấp pháp luật để thổi phồng công dụng sản phẩm

Quyền Trung
(SHTT) - Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mặc dù đã có đầy đủ quy định pháp luật để quản lý các quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng vì lợi nhuận, các doanh nghiệp quảng cáo vẫn vi phạm quy định pháp luật để thổi phồng công dụng, tác dụng sản phẩm.

Với sự bùng nổ của công nghệ, các nền tảng số và mạng xã hội, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên môi trường Internet ngày càng gia tăng về số lượng và sự tinh vi. Các quảng cáo với nội dung thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung đã được cơ quan thẩm định đối với sản phẩm thực phẩm chức năng đang ngày càng trở nên phổ biến và dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, thực phẩm chức năng được hiểu là các sản phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc trong điều trị bệnh.

thuc-pham-bo-sung-sat

Việt Nam được đánh giá là có thị trường thực phẩm chức năng phát triển thuộc loại nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2000, ở nước ta chỉ có vài chục loại thực phẩm chức năng và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu thì đến nay, số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên đến hàng chục nghìn sản phẩm. Trong đó, hơn 70% thực phẩm chức năng trên thị trường là sản xuất trong nước.

Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, các cơ quan chức năng càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể vừa đảm bảo quản lý tốt các sản phẩm thực phẩm chức năng, lại vừa tạo điều kiện cho những thực phẩm chức năng chất lượng có thể đến với người tiêu dùng.

Theo TS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đã có đầy đủ các quy định pháp luật để quản lý thực phẩm chức năng, đồng thời, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan cũng đã thể hiện được tính chất răn đe ở mức cao hơn so với quá khứ.

Cụ thể, có thể kể đến các văn bản luật và dưới luật quy định về quản lý thực phẩm chức năng ở nước ta như: Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP); Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về thực phẩm chức năng; Thông tư 17/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về ATTP do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.

Trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thực phẩm chức năng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2018/NĐ-CP; Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

img_20190927092710

Với hành lang pháp lý đó, thời gian qua, Bộ Y tế nói chung và Cục An toàn thực phẩm nói riêng đã mạnh tay xử phạt nhiều công ty lên đến hàng tỷ đồng. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, việc chuyển các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm sang xử lý theo luật hình sự.

Ngoài ra, những hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, tạm dừng hoạt động của cá nhân hoặc tổ chức vi phạm cũng được cơ quan chức năng áp dụng để gia tăng tính răn đe đối với các vụ việc vi phạm.

Thông qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính 16 hành vi vi phạm về quảng cáo, số tiền phạt 675.000.000 đồng.

Trước đó, vào năm 2022, Bộ Y tế xử phạt vi phạm về quảng cáo đối với 23 cơ sở, tổng tiền phạt 1.260.000.000 đồng.

Theo bà Trần Việt Nga, pháp luật hiện hành quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng như sau:

- Ngành Y tế (cơ quan quản lý cơ sở có sản phẩm thực phẩm) quản lý nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng;

- Ngành Thông tin và Truyền thông quản lý phương tiện quảng cáo (báo, đài, website, mạng xã hội...);

- Ngành Công thương quản lý các website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử.

Theo Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có thực phẩm chức năng trước khi tiến hành quảng cáo phải được thẩm định nội dung, các cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo sản phẩm đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và chỉ được quảng cáo phù hợp với nội dung đã được xác nhận.

ts_tran_viet_nga_pct_cuc_attp

"Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các doanh nghiệp quảng cáo vẫn vi phạm quy định pháp luật để thổi phồng công dụng, tác dụng sản phẩm. Thời gian qua, Bộ Y tế đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định về quảng cáo và công khai kết quả xử lý trên trang web của Cục An toàn thực phẩm." - Bà Trần Việt Nga thông tin.

Nhằm tăng cường công tác phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành công văn 4318/BYT-ATTP ngày 10/7/2023 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Quỳnh Trang