Nhiều ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội được ghi lại tại kỳ họp thứ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11 và từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11) vừa qua cũng đã có những cảnh báo về tác động ngược với mục tiêu giảm cầu đối với loại hàng này.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) nhất trí với chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vì đây là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích sử dụng. Việc tăng thuế nhằm mục đích giảm nhu cầu sử dụng, tăng thu cho ngân sách nhà nước là cần thiết, phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá. “Việc tăng thuế TTĐB với thuốc là ở mức cao, hay còn gọi là tăng sốc sẽ đạt được mục tiêu giảm cầu nếu chúng ta làm tốt công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Tuy nhiên, nếu chưa thể làm tốt công tác chống lậu thì hậu quả lại rất tai hại và mục tiêu giảm cầu không đạt được. Kinh nghiệm thế giới đã cho thấy điều này. Nhiều nước sau tăng sốc thuế kéo theo việc buôn lậu thuốc lá tăng hơn gấp 2 - 3 lần. Thậm chí có những nước đưa ra quy định rất cực đoan, để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội do tình trạng buôn lậu, do sản xuất chui...” - Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu ý kiến.
Trong khi đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay trong bối cảnh rượu, bia, thuốc lá ngoại nhập lậu tràn lan vào Việt Nam, nếu tăng theo lộ trình như đề xuất từ Chính phủ có khả năng “bóp nghẹt” hai ngành này. “Tôi đồng ý cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng phải có lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, nếu không sau năm 2030 họ có thể đóng cửa vì ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh”, đại biểu Hòa cho hay và nói thêm mặt hàng rượu, bia, thuốc lá lâu nay đã đóng nhiều loại thuế, phí khác nhau như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế phí môi trường, phí phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia cũng như đóng góp cho cộng đồng. Vì vậy tăng thuế cao và đột ngột sẽ gây khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho hay trong năm 2024, hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam đã và đang là vấn đề hết sức nhức nhối trong xã hội. Trong bối cảnh đó, ông kiến nghị cần có lộ trình, chính sách tăng thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng.
“Lộ trình tăng thuế nên giãn ra để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lý thị trường có thêm thời gian để chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn thuốc lá lậu tăng cao do thuế tăng,” Thượng tá Lê Thiện Thành chia sẻ.
Số liệu công bố từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương chỉ thấy thực trạng đáng lo ngại. Trong 10 tháng của năm, toàn ngành đã phát hiện 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, trong đó 800 vụ bị xử lý, 3 vụ chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 3,1 tỷ đồng và trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 5,6 tỷ đồng, bao gồm 23.931 bao thuốc lá và 4.000 sản phẩm khác (thiết bị, tinh dầu thuốc lá điện tử).
Có thể thấy, buôn lậu thuốc lá là siêu lợi nhuận vì trốn tất cả các khoản thuế cộng vào khoảng hơn 400 - 500%. Do lợi nhuận chỉ xếp sau ma túy nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật buôn lậu thuốc lá, tăng thuế sốc sẽ làm buôn lậu thuốc lá phát triển. Hiện nay, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã được tăng cường, đạt một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Thuốc lá lậu vẫn còn tràn lan, công khai, dễ mua. Công tác đấu tranh gặp khó khăn do nước ta có đường biên giới trên biển và đất liền dài, do lợi nhuận cao nên buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động, nhiều thủ đoạn, lực lượng chống buôn lậu mỏng, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, dân cư biên giới còn khó khăn về kinh tế nên nhiều người dễ tham gia buôn lậu thuốc lá, pháp luật xử lý vi phạm còn bất cập, v.v. Những hạn chế này không thể một sớm một chiều khắc phục ngay được mà đòi hỏi phải có quyết tâm cao, phải đầu tư nguồn lực và có thời gian nhất định.
Hương Mi