Sinh viên làm trà rau sam hỗ trợ người bị bệnh đái tháo đường

Quyền Trung
Nhóm sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã tận dụng rau sam làm trà, từ đó hỗ trợ người bị bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát được lượng đường huyết trong cơ thể.

Trong một lần đi công tác và được chiêu đãi món salad rau sam, chị Nguyễn Thị Vân Anh – trợ giảng bộ môn Công nghệ sinh học môi trường – Trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã tìm hiểu những sản phẩm liên quan đến rau sam tại Việt Nam.

"Rau sam phổ biến ở Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng chủ yếu là thức ăn cho gia súc, chưa được chú ý đến tính dược liệu. Nhiều sản phẩm liên quan đến rau sam được bày bán trên Amazon rất nhiều nhưng tại Việt Nam thì chưa có", Vân Anh cho biết.

rau sam

Rau sam được sinh viên trồng ngay tại khu nhà kính của Trường Đại học Nông lâm TP.HCM.

Theo đó, Vân Anh tiếp tục thu thập cây rau sam về khảo sát thành phần dinh dưỡng và hoạt tính sinh học. Trong quá trình sấy mẫu, phát hiện hương thơm của loại rau này nhưng Vân Anh chưa nghĩ đến việc làm trà, vì rau sam có vị chua. Nhận thấy có nhiều hoạt tính tốt từ rau sam, Vân Anh quyết định phối trộn nguyên liệu để tạo ra sản phẩm trà sam.

Xuất phát từ đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, đến cuối năm 2021, Vân Anh cùng sinh viên Nguyễn Thị Yến Nhi – Khoa Khoa học sinh học - tiếp tục bắt tay vào quá trình xây dựng thương hiệu nhằm đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo Vân Anh, mục tiêu ban đầu khi làm ra sản phẩm nhằm giúp thanh lọc cơ thể, nhuận tràng ở người. Đối với người bị bệnh đái tháo đường, rau sam có hoạt tính ức chế enzym tốt nên trà có thể kiểm soát được lượng đường huyết trong cơ thể, từ đó hỗ trợ việc ăn uống được đa dạng hơn thay vì quá kiêng khem.

"Ở quê, nhiều người cứ hái thuốc nam vào uống không kiểm soát, mình làm sản phẩm trà dựa trên nền tảng khoa học công nghệ sẵn có để mọi người uống tốt hơn", Vân Anh nói.

rau sam 2

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã tận dụng rau sam và sử dụng công nghệ sấy thăng hoa để tạo ra trà rau sam.

Từ đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cho đến việc thương mại hóa sản phẩm khó khăn lớn nhất là xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, sản phẩm khá mới nên việc tiếp cận khách hàng còn khó khăn.

Theo nhóm dự án, điểm khác biệt của sản phẩm đến từ nguồn nguyên liệu. Hiện tại, chưa có sản phẩm trà được chế biến từ rau sam. Song về công nghệ, nếu như trước đây khi làm trà, sấy khô xong, nhiều người chỉ trộn nguyên liệu thì nhóm tiến hành trích ly ra một lần trước, sau đó cho mật ong và tiếp tục sấy thăng hoa để cô đặc cho hoạt chất thấm sâu vào trà.

Để tạo ra một sản phẩm trà rau sam, nhóm đã trồng rau sam và thu hoạch ngay trong nhà kính của trường. Sau khi thu hoạch, nhóm bắt đầu sàng lọc ra những thành phần không đạt chất lượng, rửa và sấy khô ở nhiệt độ 50 - 55 độ C. Nếu sấy ở nhiệt độ quá cao thì hoạt chất trong rau sam sẽ biến tính. Khi sấy xong, nhóm tiếp tục phối trộn với các nguyên liệu, trích ly 1 lần sau đó cho mật ong vào để cô đặc lại, sấy thăng hoa trong vào 36 tiếng mới thu được mẻ trà.

Theo chị Vân Anh, rau sam phải được hái trước khi ra hoa vì sau đó cây sẽ bị rụi và không có nhiều dinh dưỡng.

z4047485337073_3dc5ab9998ed284e7b66a0edec7c813e

Với sản phẩm trà rau sam, người bệnh có thể sử dụng hàng ngày, từ đó hỗ trợ việc ăn uống được đa dạng hơn thay vì quá kiêng khem.

Trước đó, dự án trà rau sam được ban giám khảo đánh giá cao tại Cuộc thi "Khởi nghiệp nông nghiệp lần V" do trường Đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức. 

Theo TS. Đỗ Xuân Hồng - trưởng ban tổ chức cuộc thi - để đưa ý tưởng khởi nghiệp từ trường học ra đến thị trường, các bạn sinh viên còn phải vượt qua nhiều rào cản cơ bản như mạng lưới kết nối, khó khăn về vốn, hỗ trợ tư vấn về pháp lý để vận hành doanh nghiệp, các vấn đề liên quan đến quản trị.

Chưa kể các sinh viên dù sao tuổi đời vẫn còn đang ở mức trẻ, tích lũy chưa đủ. Do đó thông qua cuộc thi này, nhà trường mong muốn hỗ trợ tất cả các mặt các bạn đang thiếu, giúp hiện thực hóa dự án khởi nghiệp rõ ràng hơn, thành công cao hơn.