Phú Yên: Phát hiện 2.400 chai bia hiệu Heniken không có nhãn phụ tiếng Việt

Quyền Trung
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên đã phát hiện và tạm giữ 2.400 chai bia hiệu Heniken không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Cụ thể, ngày 18/7, Tổng cục QLTT cho biết, Đội QLTT số 1 (Đội cơ động), Cục QLTT Phú Yên đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám xe ô tô khách biển kiểm soát số 74B-000.83 do ông Lê Hữu Phước, địa chỉ: Khu phố 5, Phường 1, Thành phố Đông Hà, Quảng Trị là người trực tiếp điều khiển phương tiện cũng là người quản lý hàng hóa.

Kết quả khám phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 2.400 chai bia hiệu Heineken 250ml, hạn sử dụng: 02/2024, nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo theo quy định. Đội QLTT số 1 đã ban hành Quyết định tạm giữ tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

bia heineken

Có thể thấy, ngành công nghiệp bia - rượu - nước giải khát ở nước ta là một trong số những ngành kinh tế hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước rất lớn. Riêng ngành sản xuất bia được đánh giá là một lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, không chỉ tại thị trường trong nước mà còn có khả năng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên ở các địa phương vẫn tồn tại tình trạng nhập lậu bia, nạn bia giả, vấn nạn gian lận thương mại, việc khai báo không chuẩn xác sản lượng sản xuất và tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp sản xuất bia, dẫn đến thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, các vấn nạn trên vô hình dung tạo môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh và không bình đẳng của chính các nhà sản xuất chân chính với các cơ sở sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, trốn lậu thuế. Việc nhá nhem giữa hàng thật và hàng giả dẫn đến một thực tế đau lòng là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng xã hội, tiếp đó là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông khủng khiếp.

Không chỉ vậy, trong các công đoạn sản xuất bia giả, vấn đề vệ sinh rất đáng báo động. Ngoài việc thực hiện các công đoạn chế biến thủ công, công nhân không sử dụng đồ bảo hộ lao động, môi trường chiết xuất bẩn thỉu,... cả vỏ chai lẫn nắp chai đều được xử lý bằng hóa chất.

Do vậy, quá trình súc rửa chai, do lau chùi không kỹ, cáu bẩn, thậm chí hóa chất độc hại trong quá trình xử lý vẫn tồn đọng, dễ biến bia thành một hỗn hợp dung dịch nguy hại. Nguy hiểm hơn, nhiều cá nhân còn tổ chức làm giả bia, “chế” bia từ việc tận thu bia thừa, nấu từ men, gạo, dịch bia,... rất có hại cho sức khỏe người sử dụng.