Theo ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là sự kiện cấp quốc gia được tổ chức hai năm một lần, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đến du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới” mà còn góp phần nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Lễ hội cũng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Đắk Lắk qua các hoạt động tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; giới thiệu tiềm năng du lịch, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cà phê và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên; giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức.
“Lễ hội là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, du khách có dịp gặp gỡ, trao đổi, hợp tác kinh doanh, đồng thời giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê, về con người, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo dựng hình ảnh về một Đắk Lắk năng động và mến khách.
Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã khẳng định vị thế là một sự kiện quan trọng của ngành cà phê Việt Nam, tạo dấu ấn sâu sắc với người dân và du khách trong nước cũng như quốc tế”, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk - nhấn mạnh.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội lần thứ 9 hứa hẹn mang đến nhiều hoạt động mới ấn tượng, phong phú và ý nghĩa với 17 hoạt động chính, trong đó có nhiều hoạt động điểm nhấn như: Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội trên môi trường mạng; Cuộc thi rang cà phê đặc sản; Hội voi Buôn Đôn, Uống cà phê miễn phí trên toàn tỉnh;…
Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia Lễ hội năm nay cũng đem đến những sản phẩm mới được nghiên cứu sản xuất giới thiệu đến du khách như cà phê hữu cơ, trà hoa cà phê, rượu cà phê, vang cà phê, bia hoa cà phê, đồ thủ công mỹ nghệ từ thân và gốc cây cà phê,…

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 sẽ có 17 hoạt động chính.
Ông Trần Hồng Tiến - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk - cho biết Lễ hội cà phê năm nay dự kiến sẽ thu hút hơn 200.000 du khách. Ngoài các hoạt động chính của lễ hội, Lễ hội còn có hai hành trình du lịch gồm trải nghiệm về cà phê và giới thiệu về di sản. Trong đó, hành trình trải nghiệm cà phê sẽ đưa du khách tham quan từ khâu sản xuất đến việc chế biến ra các sản phẩm cà phê.
Năm nay, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột còn trở nên đặc biệt khi diễn ra đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025).
“Cà phê vừa là văn hoá, vừa là sự kết nối các thế hệ trong gia đình và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Từ những hạt cà phê, những bông hoa hoa cà phê trắng tinh đến những ly cà phê chan chứa hương vị đặc trưng khó quên, tất cả đã tạo nên ký ức trong lòng mỗi người con Đắk Lắk, dù đi đâu, đi xa thì vẫn nhớ về quê hương nguồn cội, nhớ cây cà phê trĩu nặng yêu thương”, Hoa hậu H’Hen Niê - Đại sứ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 - chia sẻ.
Theo thống kê, Buôn Ma Thuột là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam, với diện tích khoảng 210.000 ha và sản lượng hàng năm đạt khoảng 520.000 tấn, chiếm 30% tổng sản lượng cà phê của cả nước. Cà phê Đắk Lắk hiện đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhật Linh