Nhạc sĩ Văn Cao và hành trình đòi lại bản quyền lời bài hát 'Quốc ca Việt Nam'

Admin
Quốc ca Việt Nam là bài “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, với những giai điệu thiêng liêng, hào hùng, gắn với những ký ức Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng vị nhạc sĩ từng phải ra tòa đòi lại bản quyền ca khúc của chính mình.

Theo lời kể lại vào năm 1976 của nhạc sĩ Văn Cao về hoàn cảnh ra đời của bài Quốc ca, đó là vào những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đang sục sôi khí thế. Nhạc sĩ gặp Vũ Quý, là một cán bộ Việt Minh, cũng là một người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của ông. Ông Vũ Quý hỏi như đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng và giao nhiệm vụ đầu tiên cho ông là sáng tác một bài hát cho quân đội cách mạng.

Nhạc sĩ Văn Cao lúc ấy, chưa biết đến chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ (Hà Nội) theo thói quen đi và cũng chưa gặp các chiến sĩ quân đội cách mạng trong khóa quân chính đầu tiên và không biết họ hát như thế nào... tác giả “đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…”.

Ông đã trăn trở, tìm kiếm những âm thanh, hình ảnh trong buổi chiều đi dọc các con phố Hà Nội… và ông đã viết được những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”. Ông đã chỉnh sửa và hoàn thiện bài hát nhiều ngày sau đó tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội trong những ngày đông ảm đạm, đói, rét, khổ cực.

nhac si van cao

 

 

Để đến giờ đây, Quốc ca đã trở thành một phần giá trị tinh thần song hành cùng lịch sử dân tộc. Quốc ca là quốc hồn, quốc túy, là tinh thần dân tộc được kết tinh qua giai điệu, lời ca. Âm nhạc ấy được bao thế hệ người dân Việt Nam hát vang đầy tự hào, đặc biệt là chiến sĩ, đồng bào đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ từng hát, nâng niu, trân trọng như một báu vật của dân tộc.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, ca khúc được hát trước quần chúng lần đầu tiên tại một cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội bởi nhạc sĩ Phạm Duy. Đây cũng là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh thay cho cờ của chính phủ Trần Trọng Kim và cướp loa phát thanh hát "Tiến quân ca" mà theo Văn Cao: "Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó".

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi trở thành "Quốc ca Việt Nam", có một người đã nhận vơ phần lời và nhạc sĩ Văn Cao đã phải đâm đơn kiện lên tòa án để đòi lại bản quyền phần lời ca khúc này.

Chia sẻ trên Dân Việt, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng cho biết, ông học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cùng với họa sĩ Văn Thao - con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao. Thời điểm đó, ông thường vẫn qua nhà của nhạc sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu (Hà Nội) để hầu rượu, đơm trà cùng ông.

Ông Hùng từng chia sẻ: Về vụ đòi lời "Quốc ca Việt Nam" thì đến giờ tôi vẫn nhớ rất rõ. Có một người tên là Đ.H.I đã mạo nhận lời "Tiến quân ca" là của ông ta viết. Vì thế mà cụ Văn Cao đã quyết định đòi lại cho bằng được. Cụ bảo: "Tác phẩm này là của bác, bác nhất định phải đi đòi lại.

Thời điểm đó, tôi cùng với Văn Thao và các con cháu dìu cụ tên mấy chục bậc cầu thang của Toà án nhân dân tối cao để nộp đơn kiện. Khi ấy tôi là phóng viên duy nhất của báo Văn nghệ đi theo cụ Văn Cao. Rất tiếc bức ảnh chụp hôm ấy mất rồi, nhưng hôm ấy tôi có bài viết thực hiện luôn và được đăng trên báo Tuổi Trẻ.

Sau đó, khi gặp lại nhạc sĩ Văn Cao, ông nói: "Công cháu lớn, hôm nay là ngày vui nhất, bác lấy lại được bản quyền lời bài hát "Quốc ca Việt Nam" rồi. Đây không phải là lời của riêng bác nữa đâu, đây là lời của non sông rồi", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng tâm sự.

SHTT