Ngày 27/2, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) công bố Chương trình TOP 10 và “Bản đồ Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2025” với nhiều đổi mới quan trọng.
Năm nay, lần đầu tiên bản đồ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được ra mắt. Theo ban tổ chức, đây sẽ là công cụ quan trọng giúp định vị doanh nghiệp trên thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác trong nước và quốc tế.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực vào năm 2035.

Họp báo công bố chương trình Top 10 và bản đồ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2025
Tại chương trình, ông An Ngọc Thao, Phó tổng thư ký Vinasa, cho biết Nghị quyết 57 sẽ mang đến cơ hội mới, với một số ưu đãi thuế và tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo; cơ chế miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm công nghệ mới; hay tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại chuyên sâu.
"Để tạo một nền tảng giúp các doanh nghiệp công nghệ số định vị được năng lực của mình, mở rộng cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư và tiếp cận các thị trường mới, năm nay hiệp hội sẽ xây dựng Bản đồ doanh nghiệp Công nghệ số, bên cạnh việc chấm điểm chọn ra top 10 doanh nghiệp", ông Thao cho biết.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2025, bản đồ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam áp dụng mô hình đánh giá theo hai trục chính gồm "Tầm nhìn" (thể hiện định hướng phát triển, khả năng đổi mới trong tương lai của doanh nghiệp) và "Khả năng thực thi" (đánh giá mức độ triển khai, áp dụng sản phẩm, dịch vụ vào thực tế).
Dựa trên hai trục, doanh nghiệp được phân vào 4 nhóm: Thực lực (năng lực triển khai mạnh, tập trung vào hiệu quả thực tế), Đầu tàu (dẫn dắt thị trường, có tầm nhìn lẫn khả năng), Chuyên biệt (có thể mạnh trong lĩnh vực cụ thể, phát triển chuyên sâu) và Khai phá (đổi mới sáng tạo).
Qua các tiêu chí trên, bản đồ sẽ cung cấp dữ liệu toàn cảnh về hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, phân loại theo lĩnh vực, quy mô, năng lực đổi mới và tiềm năng phát triển. Trong tương lai, bản đồ sẽ được hoàn thiện hơn, phản ánh doanh nghiệp thuộc nhiều phân khúc khác nhau, không chỉ giới hạn trong Top 10.
Với sự đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ mới (AI, dữ liệu lớn, blockchain…), công nghệ xanh, cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo nghị quyết 57, ngành công nghiệp ICT Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh, hướng tới mục tiêu đạt 4.320.000 tỉ đồng doanh thu vào năm 2025, đóng góp hơn 12% GDP và nâng tỉ lệ giá trị Việt Nam trong ngành từ 32% lên 50% vào năm 2030.
Hương Mi