Hòa Bình: huyện Lương Sơn báo cáo việc 'bán chui tài nguyên'

Admin

UBND huyện báo cáo những gì?

Sáng 11.5, UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đã nhận được báo cáo của UBND huyện Lương Sơn liên quan đến bài viết “Hòa Bình: Nhức nhối tình trạng “xin hạ cốt nền để bán chui tài nguyên” phản ánh về tình trạng lợi dụng hạ thấp cốt nền đất thổ cư để bán tài nguyên. 

Báo cáo nêu rõ, qua xác minh cho thấy nội dung phản ánh của Báo Lao Động là có cơ sở.

Theo UBND huyện Lương Sơn, việc cải tạo đất do bà Bùi Thị Nga (địa chỉ tại xóm Bằng Gà, xã Cao Sơn) thực hiện tại thửa đất có diện tích 1.714 m2, trong đó có 400 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Báo cáo của UBND huyện Lương Sơn về vụ “xin hạ cốt nền” để bán chui tài nguyên mà Báo Lao Động phản ánh.
Báo cáo của UBND huyện Lương Sơn về vụ “xin hạ cốt nền” để bán chui tài nguyên mà Báo Lao Động phản ánh.

Qua kiểm tra, xác minh cho thấy diện tích đã được cải tạo khoảng 1.000 m2 chủ yếu theo phương thức san gạt, cải tạo tại chỗ, một phần khối lượng đã được vận chuyển ra khỏi thửa đất.

Về hồ sơ cải tạo mặt bằng, ngày 4.4 và 15.4, bà Nga có đơn xin cải tạo mặt bằng tại thửa đất nêu trên gửi UBND xã Cao Sơn. Trong đó có nội dung xin chuyển khối lượng đất dôi dư sang thửa đất của ông Hoàng Văn Sỹ với khối lượng đất dôi dư là 350 m3. Sau đó, bà Nga tiếp tục có đơn gia hạn thời gian cải tạo vào ngày 25.4.

UBND huyện Lương Sơn cũng khẳng định việc cải tạo đất của bà Bùi Thị Nga chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Trong quá trình hộ bà Nga cải tạo mặt bằng, UBND xã Cao Sơn đã lập biên bản nhắc nhở, đình chỉ, dừng việc cải tạo. Ngày 9.5, UBND huyện Lương Sơn đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Bùi Thị Nga với số tiền là 20 triệu đồng. 

 
 Xe tải vẩn chuyển ra khỏi vị trí xin hạ cốt nền.

Báo cáo không đi thẳng vào vấn đề trọng tâm

Mặc dù Báo Lao Động phản ánh về tình trạng lợi dụng hạ thấp cốt nền đất thổ cư để bán tài nguyên nhưng trong báo cáo báo cáo của UBND huyện Lương Sơn lại không đề cập đến nội dung này. 

Liên quan đến vấn đề này ông Nguyễn Khắc Yến - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn xác nhận nội dung vận chuyển đất ra ngoài là có nhưng thời điểm kiểm tra tại vị trí san lấp của gia đình bà Nga đã không còn hoạt động. 

Thực tế ghi nhận của PV Báo Lao Động tại vị trí khai thác của gia đình bà Nga, một nửa quả đồi đã bị đào bới nham nhở. Việc cải tạo mặt bằng chỉ là cớ để các đơn vị tại đây khai thác tài nguyên mang đi tiêu thụ.

PV đã theo chân chiếc xe mang BKS 28C-033.73, vào khoảng 16h ngày 26.4, sau khi lấy đất tại xóm Bằng Gà, chiếc xe này di chuyển khoảng 7km trên đường Trường Sơn A và di chuyển khoảng 3km trên Quốc lộ 6 về vị trí san lấp phía sau chợ thị trấn Lương Sơn (giáp ranh xã Tân Vinh với thị trấn Lương Sơn) để tiêu thụ.

Sau khi di chuyển quãng đường dài, đất được đem đến vị trí san lấp cách nơi khai thác khoảng 10km.
Sau khi di chuyển quãng đường dài, đất được đem đến vị trí san lấp cách nơi khai thác khoảng 10km.

Theo một chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại huyện Lương Sơn, thông thường đối với mỗi xe đất có thể vận chuyển khoảng 25-30m3, loại đất này nếu được vận chuyển về khu vực san lấp ở xã Tân Vinh thì có giá khoảng từ 50.000 đến 60.000 đồng/m3.

Tiếp đó, đến chiều 27.4, sau khi PV liên hệ qua điện thoại để đặt lịch làm việc với UBND huyện Lương Sơn và UBND xã Cao Sơn thì ngay lập tức tại khu vực "hạ thấp cốt nền" đã dừng hoạt động, nhiều xe đang chở đất trên đường tấp vào lề đường để tránh việc kiểm tra xử lý. 

Dư luận, nhân dân tại tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, việc khai thác đất san lấp trái phép không dễ gì có thể qua mắt được cơ quan chức năng nếu như không có sự chống lưng.

 
 Những chiếc xe "án binh bất động" sau khi PV liên hệ làm việc với cơ quan chức năng.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, tại khu vực huyện Lương Sơn cũng có nhiều khu vực khai thác đất san lấp dưới danh nghĩa hạ thấp cốt nền đất thổ cư, đất nông nghiệp để bán đất ra ngoài. Đáng báo động, tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng không được quan tâm xử lý dút điểm dẫn điến nhiều hệ lụy. 

Theo Lao Động.