Những sạp báo giấy đông đúc trên vỉa hè Hà Nội ngày nay không còn nhiều, thậm chí tìm kiếm được một sạp báo hay một người đọc báo cũng không hề dễ dàng.
Anh Trịnh Văn Huy chia sẻ, tìm hiểu thông tin trên báo in vẫn là 1 sự thú vị và lôi cuốn. Những nội dung được trình bày trên báo in thường kỹ càng, chi tiết hơn so với nội dung trên những trang báo điện tử. Đồng thời, từ thời xa xưa, khi mà mạng điện tử chưa phát triển thì các bậc cha chú đã có văn hóa đọc báo in, và đến giờ, văn hóa ấy vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay, khi công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, các bạn trẻ là các bạn sinh viên, dân văn phòng sẽ lười mua báo in, thay vào đó họ sẽ truy cập tìm kiếm thông tin trên các trang báo mạng để tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc..
Còn anh Đặng Hữu Phán, đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề bán báo. Sạp báo đầu tiên của anh có địa chỉ ở phía trước tòa soạn Báo Nhân Dân trên phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi ấy, ở đây có tận 3 sạp báo liền kề nhau, sạp báo của anh rộng khoảng 10 m2. Mỗi buổi sáng anh dậy từ 5 giờ 30 phút để chuẩn bị mở hàng. Từ sớm người đến mua báo tấp nập, họ vừa ăn sáng, uống cafe vừa đọc báo, nhiều người còn mua báo mang lên hồ Gươm để đọc, tạo nên nét văn hóa riêng của người Hà Nội.
Nhớ về thời “hoàng kim” của báo in, Anh Phán cho biết hồi đó, thu nhập của cửa hàng tôi cũng ở mức khá, ngày cũng kiếm được tiền triệu. Bây giờ, xã hội phát triển hơn, họ không còn nhu cầu đọc những tờ báo in, chỉ có những cụ ông, cụ bà không thành thạo các thiết bị di động, các trang mạng điện tử nên mới mua những tờ báo in để đọc tin tức…Với cá nhân tôi, báo in có số ít đặc điểm kém cuốn hút hơn so với báo mạng điện tử đó là truyền tải thông tin chậm, không bắt mắt về màu sắc hình ảnh, nên số lượng người đọc báo in ngày càng giảm đi cũng là điều dễ hiểu. Để có thêm thu nhập anh Phán còn bán kèm lịch, sim, thẻ điện thoại. Anh từng nghĩ đến việc chuyển hướng kinh doanh mặt hàng khác, nhưng nghề bán báo đã gắn bó với anh nhiều năm liền và niềm vui nghề mang lại là động lực giúp anh giữ nghề “Khi rảnh rỗi, tôi thường ngồi đọc báo và trò chuyện với người mua báo, niềm vui đó khiến tôi không muốn thay đổi, dù thu nhập từ công việc này không đáng kể”, anh Phán chia sẻ.
Sẽ chẳng có ai biết được, nhiều năm nữa liệu các sạp báo có còn tồn tại hay không. Nhưng với nhiều người dân Thủ đô, hình ảnh các sạp báo nhỏ nép mình bên vỉa hè, cố gắng giữ mình trước dòng chảy lịch sử, đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức về Hà Nội. Chúng vẫn lặng lẽ tồn tại rồi kết tinh thành một nét đẹp văn hóa, một di sản không tên của thành phố ngàn năm tuổi.
Hữu Phúc