Theo thông tin từ Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới năm 2024 gửi Bộ Y tế, năm 2024, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành uỷ, đặc biệt tuyến thành phố đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo và triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tập trung vào các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lễ hội Xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu 2024…
Kết quả, tổng số cơ sở được kiểm tra, hậu kiểm là 70.809, trong đó có 63.445 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 89,6%) và phát hiện 7.364 cơ sở vi phạm. Qua đó, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 3.234 cơ sở với số tiền phạt là hơn 14,1 tỷ đồng.
Theo báo cáo, các hành vi phạm chủ yếu gồm khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ; các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn chưa thực hiện gửi bản cam kết đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm; hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm; khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng.
Ngoài ra, sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giấy chứng nhận GMP; tiêu thụ sản phẩm thực phẩm thuộc diện phải được sản xuất tại cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà không thực hiện theo quy định; nhãn phụ sản phẩm ghi không đúng, không đủ theo quy định; sử dụng người lao động trực tiếp kinh doanh tiếp xúc với thực phẩm không mang đầy đủ đồ bảo hộ lao động; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định, buôn bán hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.
Ngoài các kết quả trên, theo UBND TP Hà Nội, trong năm 2024 cơ quan chức năng trên địa bàn còn tiến hành tiêu hủy 199 loại sản phẩm vi phạm của 5.709 cơ sở, đồng thời tiêu hủy 10.000 bánh trung thu và 14.221 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 1 cơ sở...
Được biết, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025.
Kế hoạch này của UBND TP. Hà Nội nhằm tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm để bảo đảm tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025.
Theo đó, UBND thành phố sẽ thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, kiểm tra tập trung đối tượng là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Tỵ và các lễ hội, như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống,…
Theo đó, Đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn, kiểm tra tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Chương Mỹ, Ba Đình, Tây Hồ, Mỹ Đức.
Đoàn 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn, kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh.
Đoàn 3 do lãnh đạo Sở Công Thương làm Trưởng đoàn, kiểm tra tại các quận, huyện: Mê Linh, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hai Bà Trưng, Sơn Tây, Ba Vì.
Đoàn 4 do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn, thanh, kiểm tra tại các quận, huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đống Đa, Đan Phượng, Ứng Hòa.
Tại cấp huyện, sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025 tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra lễ hội, các cơ sở, dịch vụ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh thực phẩm... đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã quản lý; phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn kiểm tra.
Cấp xã, phường, thị trấn, sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tại các lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ, chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo phân cấp.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng yêu cầu công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình thanh, kiểm tra, cần kết hợp tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân…
Quỳnh Trang