Gojek đánh mất thị phần thế nào trước khi thông báo rời khỏi Việt Nam?

Quyền Trung
Từng là ứng dụng gọi xe đứng thứ 2 sau Grab, thế nhưng Gojek vừa bất ngờ thông báo rời khỏi thị trường Việt Nam sau khi lần lượt đánh mất thị phần vào tay Be và Xanh SM.

Rời khỏi Việt Nam sau nhiều năm “đốt tiền”

Thông tin Gojek cho biết hãng xe này sẽ quyết định đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 16/9/2024.Quyết định trên là một bước tiến chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh, phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty mẹ của Gojek là Tập đoàn GoTo - công ty công nghệ lớn nhất tại Indonesia. Công ty sẽ tập trung vào các hoạt động có thể mang đến tác động đáng kể lên thị trường một cách bền vững, phù hợp với cam kết trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.

Gojek cũng gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến toàn bộ nhân viên, người dùng, các đối tác. Về trách nhiệm với các đối tác trên nền tảng, Gojek cho biết sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành.

Gojek được thành lập năm 2010, ban đầu tập trung vào các dịch vụ chuyển phát và gọi xe, trước khi ra mắt ứng dụng vào tháng 1/2015 tại Indonesia.

Tháng 9/2018, ứng dụng GoViet - tiền thân của Gojek - chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Lúc này Gojek đóng vai trò là đối tác chiến lược, cung cấp cho GoVietcông nghệ và tài chính.

Đến tháng 7/2020, GoViet công bố sẽ hợp nhất ứng dụng với Gojek trong chiến lược dài hạn nhằm tạo ra tác động tích cực lâu dài và thúc đẩy đổi mới cho khách hàng tại Việt Nam.

Ngày 5/8/2020, Gojek công bố chính thức ra mắt ứng dụng Gojek tại Việt Nam với các dịch vụ gọi xe (GoRide), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood).

458471489_2663041670541990_8954324426379881960_n

Gojek sẽ dừng hoạt động từ 16/9.

Những năm đầu tham gia thị trường xe công nghệ, Gojek thường xuyên tung ra các gói khuyến mại siêu “khủng” để thu hút khách hàng. Đã có thời điểm nhờ các chương trình ưu đãi này, Gojek có mức độ phổ biến ngang ngửa Grab.

Trải qua 6 năm hoạt động, Gojek vừa thông báo chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam. Trước đó, vào năm 2021, Gojek cũng rời khỏi Thái Lan, sau đó phải nhượng lại mảng thương mại điện tử đang thua lỗ là Tokopedia cho TikTok của Bytedance vào cuối năm 2023, thương vụ này trị giá 1,5 tỷ USD.

Như vậy, chiến lược phát triển dài hạn khi hợp nhất 2 thương hiệu GoViet và Gojek đặt ra lúc ban đầu đã không thể thành hiện thực.

Gojek đánh mất thị phần như thế nào?

Sau khi Gojek rút khỏi Việt Nam, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam ngoài "ông lớn" ngoại quốc Grab thì chỉ còn 2 thương hiệu của Việt Nam đủ sức cạnh tranh là Xanh SM và Be. Nhưng trước đó, Gojek đã từng là đối trọng của Grab khi thường xuyên ở vị trí á quân trong danh sách các thương hiệu xe công nghệ phổ biến.

Các khảo sát của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới công bố từ 2021 - 2022 dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe 2 bánh tại Việt Nam cho thấy Grab chiếm khoảng 50 - 60% thị phần, Gojek đứng vị trí thứ 2 với khoảng 20%, Be chiếm khoảng 18%. Đối với ô tô, thị phần của Grab áp đảo với 66%, Be chiếm 22% và phần còn lại chia cho các ứng dụng khác.

Tháng 9/2023, Gojek cũng từng rất năng nổ sau khi Baemin Việt Nam thông báo “tạm dừng cuộc chơi”.

Trung tuần tháng 11/2023, Gojek đã mở rộng hoạt động tại tỉnh Bình Dương (khu vực Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một) và Đồng Nai (TP Biên Hòa). Đây đều là các địa phương được đánh giá có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, lại giáp TP.HCM. Thời điểm đó, Gojek nắm giữ hệ sinh thái khoảng 200.000 tài xế.

428709668_925990205829795_3039060801734471421_n

Grab vẫn đang là thương hiệu được khách hàng sử dụng xe công nghệ ưa chuộng.

Thế nhưng, đến năm 2024, báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” được Q&M công bố cho thấy Grab tuy vẫn là hãng xe được người Việt sử dụng nhiều nhất nhưng thị phần đang bị lấy đi bởi 2 hãng xe công nghệ thuần Việt là Be và Xanh SM, còn Gojek đã bị đẩy xuống vị trí thứ 4.

Cụ thể, 42% người Việt sẽ lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy. Đứng vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là Be và Xanh SM với tỷ lệ lần lượt là 32% và 19%, Gojek chỉ 7% người dùng sử dụng.

Về độ tuổi sử dụng, nhóm khách hàng lớn tuổi sẽ sử dụng Grab để di chuyển, trong khi đó nhóm khách Gen Z thì lại yêu thích các thương hiệu Việt Nam.

Cụ thể, ở nhóm 41 – 45 tuổi, 43% người dùng thường xuyên dùng Grab, tỷ lệ sử dụng thường xuyên Be và Xanh đều là 25%.

Nhóm khách hàng từ 31 – 40, Grab có tới 54% khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ, trong khi tỷ lệ này với hai ứng dụng gọi xe Be và Xanh SM là 22% và 16%.

Độ tuổi từ 24 – 30, 46% khách hàng thường xuyên sử dụng Grab; 43% thường xuyên dùng Be và 14% chọn Xanh SM.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 có quy mô 727,73 triệu USD, trong đó Grab chiếm đến 58,68% thị phần, gấp 6,4 lần thị phần của Be. Tuy nhiên, Q&Me đánh giá Be có tỷ lệ giữ chân khách hàng cao nhất trong các hãng gọi xe công nghệ.

Như vậy, thị phần xe công nghệ Việt Nam đã được chia lại một cách nhanh chóng khi có sự tham gia mạnh mẽ của dòng xe điện Xanh SM – thương hiệu của người Việt. Còn Gojek, sau một thời gian dài “đốt tiền” để dành thị phần đã chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam.

Nhật Linh