Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng sức mạnh đoàn kết Dân tộc

Quyền Trung
Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng là một trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt, mà còn trở thành biểu tượng tinh thần của dân tộc Việt, kết nối quá khứ hào hùng với tương lai.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Đối với người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương và việc tổ chức tế lễ, rước, cầu cúng, các sinh hoạt diễn xướng văn hóa dân gian đã được cộng đồng gìn giữ, duy trì, bảo tồn cho đến ngày nay. Năm 1995, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày lễ lớn trong năm. Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10 tháng 3 âm lịch). Ngày 6/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh tín ngưỡng “Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Kể từ đó, không chỉ người dân ở tỉnh Phú Thọ, các vùng miền trong cả nước mà cả cộng đồng quốc tế nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống tinh thần. Không chỉ các hoạt động lễ, hội trong dịp Giỗ Tổ đã được nâng lên tầm quốc gia, mà những nghi thức thờ cúng Hùng Vương ở các cộng đồng địa phương cùng với tín ngưỡng phồn thực, diễn xướng dân gian thể hiện niềm ước vọng cầu mưa thuận gió hòa, cầu bình an cũng được nhận thức như là những di sản văn hóa đặc biệt Quốc gia.

gio to hung vuong

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

Nhắc đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nhắc nhớ về sự hình thành dân tộc Việt, gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng bọc trăm trứng. Truyền thuyết kể lại, Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau và sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt và được tôn làm Vua Hùng. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, dạy người dân trồng lúa nước, thực hiện những nghi lễ, tín ngưỡng. Điều này đã trở thành nền tảng tạo nên những nền văn minh của dân tộc Việt. Hình tượng Vua Hùng đã gắn chặt với hồn thiêng sông núi đất Việt, trở thành biểu tượng tôn quý cho tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc.

Có thể thấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, được hình thành và phát triển trong cộng đồng dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có mặt ở nhiều nơi trên đất nước. Nổi bật hơn cả là tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch đã trở thành lễ hội lớn nhất của cả nước. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng không chỉ thể hiện niềm thành kính, nhất tâm hướng về nguồn cội của cả dân tộc. Mà đó là minh chứng thuyết phục về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và sự đoàn kết của người Việt. Việc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, càng thêm khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc, nhân văn sâu sắc và sức sống, sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác... Các hoạt động mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội. Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đó là một đám rước tưng bừng những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền và màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống...

Cùng với phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, ban ngày có hát sẩm, hát ví, hát trống quân, cò lả... đêm đến có hát xoan kéo dài từ chập tối đến sáng tại đền Thượng. Ngoài ra, còn có hát chèo, tuồng ở ngoài các bãi rộng chân núi. Bên cạnh đó, còn có các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, chọi gà, vật, bắn nỏ thi, kéo lửa nấu cơm thi, bịt mắt bắt dê...