Doanh nghiệp bồi thường và xin lỗi tác giả Dương Quốc Định vì vi phạm bản quyền

Quyền Trung
Đại diện Công ty Tia Sáng gửi lời xin lỗi đến nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định vì sử dụng tác phẩm chưa có sự đồng ý của tác giả, đồng thời bồi thường thiệt hại 50 triệu đồng.

Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định không ít lần đứng trước tình huống các công ty, cửa hàng tự ý sao chép ảnh và tranh với mục đích kinh doanh. Gần đây nhất, ông Dương Quốc Định phát hiện các tác phẩm của mình bị Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Tia Sáng sao chép và in để làm tranh xếp hình.

sen vi pham ban quyen

Tranh xếp hình có sử dụng tác phẩm của nhiếp ảnh gia Dương Quốc định bị vi phạm bản quyền.

Cụ thể, trong bộ sưu tập tranh xếp hình "Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận" đang được bán trên website của Công ty Tia Sáng có một số tranh xếp hình với tên gọi như: Phật thủ liên hoa; Cô gái thổi sáo; Sen hồng; Sen trắng; Tiên nữ là của tác giả Dương Quốc Định. Các tranh xếp hình trên được in từ tác phẩm của ông Dương Quốc Định với nhiều kích thước và số lượng mảnh ghép khác nhau.

"Không chỉ công ty này, rất nhiều người khác cũng đang tự ý lấy các tác phẩm nhiếp ảnh của tôi", ông Định bức xúc nói.

Tại buổi làm việc trực tiếp với nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định vào ngày 25/5, ông Trần Quốc Trung - Giám đốc Công ty Tia Sáng - thừa nhận có sự sai trái khi sử dụng các tác phẩm của ông Dương Quốc Định để kinh doanh.

Ông Trung nêu lý do sử dụng tác phẩm của ông Định vì muốn có những tác phẩm nghệ thuật để tặng người quen và quảng bá sản phẩm nghệ thuật, văn hóa của người Việt ra nước ngoài. Do sản phẩm bị thừa nên có sử dụng một số sản phẩm in tác phẩm của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định để kinh doanh trực tuyến (thử nghiệm).

"Hiện việc sản xuất ra sản phẩm tranh ghép hình ở công ty có sử dụng tác phẩm của ông Định ở quy mô nhỏ, doanh thu thấp", ông Trung nói và mong muốn có cơ hội đưa tác phẩm của ông Định ra thị trường một cách rộng rãi và hợp pháp.

Theo ông Dương Quốc Định, phải xin phép và mua bản quyền của tác giả để đăng ký kinh doanh một cách hợp pháp. Ông Định đặt vấn đề cụ thể việc mua bản quyền tác giả, số lượng tranh đã vi phạm để bồi thường tốt hơn việc phải bồi thường bản quyền.

Tuy nhiên, ông Trung đưa ra dẫn chứng bản quyền của 1 bức tranh khoảng 2 triệu đồng.

Ông Định cho rằng sản phẩm hình ảnh của ông có giá trị thương hiệu lớn, vì vậy sẽ tác động đến kết quả kinh doanh của công ty cho nên giá trị mua bản quyền phải hợp lý và có thiện chí.

Tại buổi làm việc, Công ty Tia Sáng chấp nhận bồi thường thiệt hại 50 triệu đồng cho ông Dương Quốc Định vì những sai phạm đã xảy ra. Bên cạnh đó, công ty sẽ thu hồi, tiêu hủy những sản phẩm có sử dụng tác phẩm của ông Dương Quốc Định đã in ấn nhưng chưa bán. Đồng thời, công ty cũng chấp nhận công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thông.

Theo ông Dương Quốc Định, việc "xài chùa" các tác phẩm đã diễn ra trong nhiều năm liền. Năm 2018, ngay cả công ty XQ cũng ngang nhiên vi phạm bản quyền nhưng vẫn không xử lý được. Ông Định bày tỏ sự thất vọng và chán nản trước thực trạng sao chép tranh ảnh. Pháp luật đã có những quy định và khung hình phạt cho hành vi kinh doanh xâm phạm đến quyền tác giả nhưng thực sự chưa có chiến dịch đủ lớn để răn đe các hành vi trên.

Hiện hàng loạt website về nội thất cũng bày bán các tác phẩm sao chép từ tranh và ảnh của tác giả như Tiệm vẽ mùa hè (https://tiemvemuahe.vn/), Tranh nhà đẹp Việt (https://tranhnhadepviet.com/), Amazing art (https://tranhincanvas.com/), Tranh phong thuy (https://tranhphongthuyvietnam.com),...

Ông Định cho rằng các ban ngành, đơn vị có trách nhiệm liên quan nên vào cuộc để lấy lại công bằng cho người làm nghệ thuật. Nếu tình trạng này cứ xảy ra liên tục thì những người làm nghệ thuật sẽ bị nản chí bởi những đứa con tinh thần mà họ sáng tạo chỉ đem lại lợi nhuận cho "kẻ cắp".

Bên cạnh đó, nếu người tiêu dùng vô tình tiếp tay tiêu thụ các ấn phẩm văn hóa từ các cơ sở và công ty sao chép tranh ảnh thì về lâu dài sẽ làm ý thức của người tiêu dùng không biết phân biệt thật - giả và tôn trọng giá trị tinh thần và văn hoá nghệ thuật.