Điểm mặt 6 cửa hàng ở Hà Nội tiêu thụ vàng lậu hàng trăm tỉ đồng

Quyền Trung
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 25 bị can trong vụ ''buôn lậu'' vàng xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty Vàng bạc Phú Quý và các đơn vị liên quan.

Theo kết luận, từ đầu năm 2022, do có nhu cầu mua vàng nguyên liệu để chế tác, kinh doanh, các chủ tiệm vàng ở Hà Nội thông qua các mối quan hệ, tìm hiểu và biết bà Nguyễn Thị Hóa (55 tuổi, ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; tức khu vực biên giới Việt Nam - Lào) có thể nhập lậu vàng nguyên liệu dạng thỏi từ Lào với giá thấp hơn trong nước, nên đã liên hệ với "bà trùm" để đặt mua vàng lậu.

Cơ quan chức năng cáo buộc, từ 22/12/2022 đến ngày 13/6/2024, theo đơn đặt hàng của 6 tiệm vàng và đối tượng Nguyễn Khắc Bồng, bị can Hóa đã tổ chức buôn lậu 310 kg vàng thỏi từ Lào về Việt Nam, tổng giá trị hơn 454 tỉ đồng.

Hoá cùng người thân đã thiết lập đường dây buôn lậu vàng tinh vi với nhiều đối tượng tham gia, theo từng công đoạn, được tổ chức chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ.

vang lau

Để có nguồn cung vàng, Hoá liên hệ với Thoong Nhã (ở Vientiane, Lào) nhằm đặt mua vàng và giữ liên lạc qua Zalo, Viber. Từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2023, Thoong Nhã thuê các đối tượng người Lào có thể nói tiếng Việt lái xe ô tô biển số Lào, vận chuyển vàng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo.

Sau đó các lái xe này sẽ vận chuyển mỗi lần 5-10 kg vàng, giao đến khu vực bờ hồ trước cửa nhà Hoá (tại khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo). Khi nhận được vàng thì Hoá sẽ chuyển tiền thanh toán đưa cho lái xe, mang về cho Thoong Nhã.

Từ khoảng tháng 5/2023, Thoong Nhã không tổ chức vận chuyển vàng cho Hoá nữa. Nên Hoá phải tự tổ chức vận chuyển vàng từ Lào về Việt Nam. Hoá chỉ đạo một loạt người thân gồm chú ruột của chồng, các em ruột đi xe máy qua cửa khẩu Lao Bảo, đến nhà đối tượng cấp dưới của Thoong Nhã tên là È.

Từ nhà È, nhóm buôn lậu sẽ cất xe máy tại đây và đi bộ ra bến xe Karon, đón xe khách về nhà Thoong Nhã tại Vientiane. Khi đến nhà Thoong Nhã, các đối tượng thanh toán mua vàng bằng USD và nhận vàng. Nhóm này sẽ cho vàng vào tất dài quấn quanh người, hoặc cho vàng vào balo rồi lại bắt xe khách về nhà È để cất giữ vàng.

Lợi dụng chính sách là cư dân biên giới chỉ cần sử dụng căn cước công dân để đi qua cửa khẩu, Nguyễn Thị Hoá lại tiếp tục thuê nhiều đối tượng gồm em dâu, em họ, hàng xóm... đi xe máy hoặc xe đạp điện qua cửa khẩu Lao Bảo đến nhà È để vận chuyển vàng về Việt Nam.

Các đối tượng nhận vàng thỏi tại nhà È, bọc vàng trong túi nilon đen, sau đó dùng dây vải bọc thỏi vàng buộc vào bụng hoặc cất giấu ở trong thắt lưng quần phía trước bụng. Đồng thời các đối tượng mua kèm nhiều loại hàng hoá (sữa, lạp sườn, mì tồm, nước lọc...) để nguỵ trang, tránh bị Bộ đội biên phòng kiểm tra, phát hiện.

Với các bước trên, Hoá đã thiết lập đường dây vận chuyển vàng từ Lào về Việt Nam. Tiếp đó, Hoá lại thiết lập đường dây vận chuyển vàng từ Quảng Trị ra Hà Nội để giao cho các tiệm vàng. Hoá thuê một loạt người thân gồm em ruột, chú ruột của chồng, cháu ruột... bắt xe khách vận chuyển vàng từ Lao Bảo ra Hà Nội.

Cụ thể, sau khi nhận vàng từ Hoá, các đối tượng cho thỏi vàng vào sợi dây vải, buộc quanh bụng, sau đó mặc áo khoác che bên ngoài. Hoặc bọc thỏi vàng vào giấy báo, túi nilon cho vào balo đeo trên người. Mỗi chuyến từ 3-10 thỏi vàng, mỗi thỏi có trọng lượng 1kg.

Đến Hà Nội, các đối tượng này sẽ bắt xe ôm đến trực tiếp tiệm vàng để giao vàng và nhận tiền hàng. Sau đó lại bắt xe khách về Quảng Trị, quay lại nhà Hoá để đưa tiền hàng. Các đối tượng được trả công từ 2-4 triệu đồng với mỗi chuyến vận chuyển.

Hồ sơ thể hiện, tại tiệm vàng Minh Hưng, từ ngày 27/5/2023 - 13/6/2023, Trần Anh Sơn đặt mua 128kg vàng nhập lậu từ Lào của bị can Hóa, tổng trị giá hơn 188 tỉ đồng. Trần Anh Sơn chỉ đạo nhân viên ngủ tại cửa hàng để nhận vàng hoặc anh ta trực tiếp nhận ở các bến xe. Sơn đưa tiền mặt (USD hoặc VNĐ) cho nhân viên của bà Hóa hoặc chỉ đạo chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Sau khi mua vàng, Sơn đã phân kim để tăng chất lượng vàng. Sau đó, anh ta bán lại cho Công ty Vàng Phú Quý và một số đơn vị, khách lẻ.

Với tiệm vàng Kim Linh, Nguyễn Thị Vân đã đặt mua 84kg vàng nhập lậu từ Lào của bà Nguyễn Thị Hóa, tổng giá trị hơn 121 tỉ đồng. Cũng giống Sơn, Vân trực tiếp đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản khi mua vàng lậu của Hóa. Số vàng mua được, chị ta cũng phân kim, cắt nhỏ thành từng cây vàng, chỉ vàng bán cho khách lẻ.

Tiệm vàng Minh Phúc là cơ sở đứng thứ ba về việc mua vàng nhiều nhất của bà trùm Nguyễn Thị Hóa. Trong gần một tháng, tiệm này đã đặt mua 54kg vàng nhập lậu, tổng trị giá gần 80 tỉ đồng của Hóa. Số vàng mua được, phía tiệm bán lại cho công ty, cửa hàng và khách lẻ để kiếm lời.

Tiệm vàng Nhật Vượng bị cơ quan chức năng cáo buộc đã giao dịch mua 20kg vàng nhập lậu từ bà trùm Nguyễn Thị Hóa, với tổng số tiền là hơn 28 tỉ đồng. Số vàng mua từ Hóa sau đó được phân kim, cắt nhỏ thành từng cây vàng, chỉ vàng bán cho các tiệm vàng tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

Tiệm vàng Tuấn Quang bị cáo buộc có giao dịch mua bán 10kg vàng nhập lậu, trị giá hơn 14 tỉ đồng. Số vàng mua từ Hóa sau đó được bán cho các tiệm vàng tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Tiệm vàng Tuân Đức trong vụ án được xác định đã mua 8kg vàng của bà trùm buôn lậu vàng Nguyễn Thị Hóa.

Theo cơ quan chức năng, cá nhân bà Hóa và các tiệm vàng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, không được cấp phép sản xuất, mua bán và kinh doanh vàng miếng.

Ngày 14/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khám xét 29 địa điểm tại Hà Nội, thị trấn Lao Bảo, thu giữ hơn 8,4 tỉ đồng, 4,2 triệu USD, 36 thỏi vàng, sổ sách liên quan việc mua bán vàng.

Tú Linh