Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Trong đó, Quyết định cũng nêu những mục tiêu cụ thể Đà Nẵng cần thực hiện đến năm 2030 như: Nâng cấp hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP Đà Nẵng lên tầm quốc tế; xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội; Đẩy mạnh thu hút, phát triển mạng lưới chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tăng hai lần số chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo so với năm 2025.
Theo đây, ít nhất sẽ có 200 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ phát triển từ nguồn Đề án. Vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự án khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng tăng thêm từ 6000-7000 tỷ đồng tương đương 300 triệu USD so với năm 2025.

Đề án Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo đặt ra nhiều mục tiêu phát triển tài sản trí tuệ.
Cùng với đó, đề án khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; thu hút thêm được 3-5 quỹ đầu tư mạo hiểm đặt văn phòng đại diện tại TP Đà Nẵng. 100% các dự án khởi nghiệp có cơ hội được đào tạo trong các khóa học về khởi nghiệp sáng tạo; từng bước đưa giáo dục khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo đến các trường trung học phổ thông trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Về phát triển tài sản trí tuệ, đề án đưa ra mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực khai thác quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa ban thành phố; tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện tuyên truyền, tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu cho khoảng 5000 lượt người, xây dựng mỗi năm ít nhất 12 chuyên mục về sở hữu trí tuệ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng tiếp tục gia tăng giai đoạn 2025 – 2030 số lượng đơn, văn bằng tăng khoảng 1,5 lần so với giai đoạn 2021 – 2025.
Chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian được bảo hộ và khai thác hiệu quả trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặt mục tiêu số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu dự kiến tăng trung bình 10%/năm. Trên 90% sản phẩm tham gia chương trình OCOP, sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, làng nghề được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, mã số, mã vạch.
Hình thành nền kinh tế số đáp ứng dịch vụ tốt nhất cho các hoạt động kinh tế, đổi mới sáng tạo của TP Đà Nẵng. Ít nhất 10 sản phẩm số sẽ được ứng dụng cho phát triển kinh tế địa phương. Hình thành các trung tâm, mạng lưới thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh gắn với mục tiêu Net zero.
Đề án đồng thời đưa ra 6 lĩnh vực ưu tiên tập trung khuyến khích thúc đẩy đổi mới sáng tạo gồm công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ sinh học và y tế, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển và dịch vụ logistics, du lịch thông minh và công nghiệp sáng tạo.
Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện đề án này là trên 65 tỷ đồng, trong đó giao Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng là cơ quan chủ trì thực hiện.
Bảo Hòa