Xây dựng trên đất nông nghiệp: Huyện Hoài Đức có thực sự vào cuộc để xử lý ...?

Admin

Trong 2 ngày (7/4/2022 và 26/4/2022), Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đăng tải hai bài viết liên quan đến những công trình nhà ở, nhà xưởng xây trên đất nông nghiệp tại ngõ 308 đường Đức thượng (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Theo đó, hàng chục nhà xưởng, mỗi xưởng rộng hàng ngàn mét vuông, các nhà xưởng này đã được đưa vào hoạt động… cuối ngõ có gần chục công trình nhà ở được xây dựng kiên cố và người dân sinh sống ổn định.

HĐ 5
Ngõ 308 đường Đức Thượng, nơi xảy ra hàng loạt vi phạm trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Theo người dân quanh khu vực, toàn bộ khu đất xây dựng nhà ở, nhà xưởng trong ngõ 308 đường Đức Thượng là đất nông nghiệp của người dân. Nhưng công trình nhà xưởng, nhà ở này được người dân xây dựng rải rác từ năm 2018 cho đến nay. Mặc dù xây trên đất nông nghiệp, nhưng những công trình này lại được chính quyền đánh số nhà như đất thổ cư và lắp điện, nước…

Tại buổi làm việc với UBND xã Đức Thượng sáng 22/3, đơn vị này thừa nhận toàn bộ khu đất trong ngõ 308 đường Đức Thượng đang xây dựng nhà xưởng và các công trình nhà ở cuối ngõ là đất nông nghiệp. Mặc dù thừa nhận các công trình vi phạm trật tự xây dựng, thế nhưng lãnh đạo xã không cung cấp được bất kể hồ sơ xử lý vi phạm nào. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vi phạm tồn tại kéo dài, UBND xã có rà soát, lập hồ sơ, tham mưu cấp huyện xử lý dứt điểm hay không thì không nhận được câu trả lời.

HĐ 2
Từ đầu ngõ 308 Đức Thượng đến cuối ngõ là những nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp.

Về việc đánh số nhà cho các công trình vi phạm thì vị cán bộ xã Đức Thượng “đổ lỗi” cho Phòng Quản lý Đô thị huyện Hoài Đức. “Việc khảo sát, đánh số nhà do Phòng Quản lý Đô thị huyện thực hiện. Sau khi họ xây dựng xong kế hoạch thì giao cho xã rà soát lại, nhưng không hiểu sao vẫn sai sót để đánh số nhà cho những công trình này” - đại diện xã Đức Thượng nói.

Mặc dù “đá bóng” trách nhiệm cho Phòng Quản lý Đô thị huyện Hoài Đức, nhưng ông Phùng Bá Nhân - Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện khẳng định, UBND xã Đức Thượng “đổ lỗi” việc đánh số nhà tại các công trình xây dựng ở ngõ 308 đường Đức Thượng cho Phòng Quản lý Đô thị là không đúng.

“Chúng tôi không 'đá' trách nhiệm, nhưng việc đổ lỗi đánh số nhà này cho Phòng Quản lý Đô thị là không đúng, trách nhiệm thuộc về UBND xã Đức Thượng” - ông Nhân nói.

HĐ 4
Công trình số 16 và 18 ngõ 308 đường Đức Thượng "án ngữ" trên đất nông nghiệp.

Theo ông Nhân, UBND xã Đức Thượng mới là đơn vị mời thầu trong công tác đánh số nhà trên địa bàn xã. Sau khi đơn vị chuyên môn trúng thầu, họ sẽ rà soát và lập sơ đồ đánh số nhà. Sau đó, UBND xã báo cáo lên UBND huyện phê duyệt kết quả đánh số nhà. Việc đánh số nhà như thế nào do UBND xã phụ trách và chịu trách nhiệm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những công trình nhà xưởng, nhà ở của người dân xây trên đất nông nghiệp tại ngõ 308 đường Đức Thượng, ông Nhân khẳng định: “quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm theo quy định. Chúng tôi sẽ báo cáo UBND huyện để có hướng xử lý, đồng thời tạo tính răn đe…”.

Nói là cương quyết xử lý vi phạm, nhưng sau gần 1 tháng trôi qua, những công trình vi phạm này vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, còn chính quyền sở tại thì “án binh bất động”. Dư luận hoài nghi thế lực nào đang “chống lưng” mà các công trình vi phạm này không bị xử lý(!?)

HĐ 1
Hai công trình nhà ở mọc giữa cánh đồng ruộng lúa, cuối ngõ 308 đường Đức Thượng.

Dư luận nói chung và người dân xã Đức Thượng nói riêng mong muốn UBND xã Đức Thượng, UBND huyện Hoài Đức và các sở, ngành của thành phố Hà Nội “nhìn thẳng” vào sự việc, xử lý dứt điểm những vi phạm đang tồn tại, bảo vệ sự thượng tôn của pháp luật.

Liên quan đến những công trình vi phạm tại ngõ 308 đường Đức Thượng, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh - Công ty Luật TNHH Hiệp Thành (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, hành vi lấn, chiếm đất công và xây dựng nhà ở, nhà xưởng trái phép trên đất là hành vi vi phạm điều cấm của Luật Đất đai 2013. Tại điều 12 nêu rõ, việc lấn, chiếm, hủy hoại đất là những hành vi bị nghiêm cấm.

Bên cạnh đó, hành vi lấn, chiếm đất bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10, Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ngày 10/11/2014.

HĐ 3
Luật sư Nguyễn Tuấn Anh.

Khoản 2, Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

Ngoài xử phạt hành chính, khoản 5 Điều 10 cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/01/2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công thì Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đối với sự việc có dấu hiệu vi phạm lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Đức Thượng như báo chí đã phản ánh, nếu không được xử lý vi phạm theo quy định thì Chủ tịch UBND xã Đức Thượng là ông Nguyễn Văn Thuấn phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện Hoài Đức. Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Trường - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức phải chịu trách nhiệm trước thành phố Hà Nội về quản lý quỹ đất nông nghiệp, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Theo DN&TH