Thống nhất phí SMS banking: Có thật sự hợp lý?

Admin
Việc các nhà mạng và ngân hàng hội đàm, chốt mức phí SMS banking “phải chăng” áp dụng cho khách hàng là chủ tài khoản ngân hàng có sử dụng dịch vụ SMS banking được nhìn như thế nào dưới lăng kín

Tuần qua, dư luận xôn xao trước thông tin một số ngân hàng thu phí dịch vụ tin nhắn thông báo số dư (SMS banking) quá cao. Có ý kiến cho rằng đó là… do nhà mạng áp đặt giá cước. Nhưng cũng có ý kiến đồn đoán các ngân hàng tranh thủ kiếm thêm.

Dư luận chưa yên thì hồi cuối tuần, thông tin các nhà mạng và ngân hàng hội đàm, chốt mức phí “phải chăng” được loan truyền rộng rãi…

Một câu chuyện cũ

Những năm đầu 2000, thị trường Việt Nam xuất hiện một nhãn hiệu bia mới, được định danh và xếp cùng nhóm bia cao cấp với Heineken, Tiger… Tuy nhiên, dù mạnh tay đầu tư cũng như tốc lực và dốc sức thực hiện các chiến lược tiếp thị, ông chủ của thương hiệu bia này cũng không thể cứu nổi số phận yểu mệnh của nó. Dù là một tên tuổi lớn và khá thành công trên thị trường bia và nước giải khát ở Việt Nam, doanh nghiệp cũng đành phải chấp nhận… kết liễu nhãn hiệu bia tươi đóng chai của mình.

Không dễ để các bên lập luận rằng, đây là thỏa thuận “có lợi” cho người tiêu dùng, vì ngoài khách hàng sử dụng dịch vụ nhiều thì các khách hàng ít sử dụng dịch vụ còn lại cũng phải chịu chung mức phí.

Tuy nhiên, ngay sau đó, vào năm 2007, doanh nghiệp này đã làm hồ sơ khiếu nại lên cơ quan quản lý cạnh tranh và cáo buộc rằng, kế hoạch kinh doanh của mình bị phá sản là do sự chèn ép, triệt triêu cạnh tranh của đối thủ. Cụ thể, doanh nghiệp cho rằng, thực tế có hãng bia đối thủ có vị trí thống lĩnh thị trường (có thị phần cao) và đã ký nhiều hợp đồng với các quán ăn, nhà hàng, khách sạn… hay các địa điểm bán bia và tiêu thụ (uống) bia tại chỗ khác để độc quyền bán và tổ chức các hoạt động khuyến mại, quảng cáo và tiếp thị khác. Đặc biệt, hãng còn cam kết sẽ “tài trợ” cho đối tác và đổi lại các điểm bán bia này không nhận tiêu thụ bia của hãng khác. Kết quả là, dù cố hết sức và tìm hết cách, nhãn hiệu bia mới cũng không thể dễ dàng tiếp cận được khách hàng qua các kênh bán bia phổ biến ở Việt Nam.

Thụ lý vụ việc, cơ quan cạnh tranh khẳng định, đây là hành động ngăn cản việc gia nhập thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới khi cố tình tạo ra những rào cản bằng cách “yêu cầu khách hàng của mình không giao dịch với đối thủ cạnh tranh mới” được Luật Cạnh tranh 2004 mô tả và ngăn cấm. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng sau đó đã xoay chuyển tình huống: hãng bia lớn… không vi phạm pháp luật cạnh tranh và không hề “lạm dụng ví trí thống lĩnh thị trường” vì hãng… không có vị trí thống lĩnh trên thị trường bia ở Việt Nam.

Dễ “nhừ đòn” với luật mới

Như vậy, hãng bia lớn thoát nạn không phải vì hãng không thực hiện hành vi bị ngăn cấm mà vì hãng bia lớn không… thật sự lớn theo cách thức mà pháp luật quy định. Cho nên, có thể xem đó là một sự may mắn, và sự may mắn đó đã giúp doanh nghiệp thoát được một án phạt rất nặng: có thể bị phạt tối đa lên đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước đó.

Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện của… thời xưa.

Tương tự với luật cũ, Luật Cạnh tranh 2018 (luật hiện hành) vừa kiểm soát hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường vừa kiểm soát các trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Nhưng khác với Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 đã khẳng định chắc nịch là sẽ kiểm soát cả trường hợp thỏa thuận theo chiều ngang và thỏa thuận theo chiều dọc trong kinh doanh.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, nội dung thỏa thuận để được xem xét miễn trừ phải không liên quan đến giá và các yếu tố giá.

Thỏa thuận theo chiều ngang là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp là đối thủ của nhau (cùng thị trường) còn thỏa thuận theo chiều dọc là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp hoạt động ở các công đoạn khác nhau trong chuỗi sản xuất, cung ứng (khác thị trường), như thỏa thuận giữa nhà sản xuất với bên phân phối.

Thực tế, câu chuyện “cũ” ở trên dính đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường – là hành vi được chính doanh nghiệp có sức mạnh đơn phương thực hiện, và vì vậy khác với trường hợp phải có sự “thỏa thuận” như vừa nói. Tuy nhiên, sở dĩ quá trình rà soát trong câu chuyện “cũ” chỉ dừng lại ở hành vi đó là vì Luật Cạnh tranh 2004 chỉ kiểm soát thỏa thuận ngang mà “bỏ qua” thỏa thuận dọc. Cho nên, chuyện thỏa thuận giữa hãng bia lớn và đối tác của họ cũng được… bỏ qua.

Giả sử, tình huống trên xảy ra ở thời điểm hiện tại, theo Luật Cạnh tranh 2018, bên khiếu nại có thể yêu cầu cơ quan quản lý cạnh tranh rà soát cả trường hợp thỏa thuận giữa hãng bia và đại lý, cửa hàng đối tác… Khi đó, nguy cơ bị cho là vi phạm pháp luật cạnh tranh là rất cao vì pháp luật cạnh tranh kiểm soát cả các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp “lớn”. Hay nói cách khác, với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, doanh nghiệp có thể bị cho là vi phạm bất kể doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hay không. Quan trọng là, câu chuyện “yêu cầu khách hàng của mình không giao dịch với đối thủ cạnh tranh mới” là có thật và đó cũng là biểu hiện được mô tả trong các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị ngăn cấm.

Về thỏa thuận ấn định phí SMS banking

Trước hết, có thể nhận thấy, thỏa thuận giữa các nhà mạng hay giữa các ngân hàng là thỏa thuận ngang và thỏa thuận giữa các nhà mạng và các ngân hàng là thỏa thuận dọc. Dù là loại thỏa thuận nào và thuộc trường hợp nào thì Luật Cạnh tranh 2018 đều có thể xuất hiện, phạt và vẫn với mức phạt lên đến 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước đó.

Qua thông tin phản ánh, nội dung thỏa thuận đạt được giữa các đơn vị này chính là việc thống nhất mức phí chung áp dụng cho các khách hàng (là các chủ tài khoản có sử dụng dịch vụ SMS banking). Nội dung này dễ bị xem là thỏa thuận ấn định giá được liệt kê trong khoản 1 điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 và đương nhiên đó là thỏa thuận bị cấm.

Cũng có ý kiến cho rằng, đó là câu chuyện thỏa thuận “nội bộ” giữa bên mua và bên bán như bất kỳ một quan hệ mua – bán hay cung ứng dịch vụ nào khác. Dù vậy, có vẻ như câu chuyện không dừng lại ở đó vì nội dung mà các bên đạt được chính là mức phí tin nhắn sẽ áp dụng đối với… khách hàng là chủ tài khoản ngân hàng có sử dụng dịch vụ SMS banking. Đó là chưa nói, nếu thỏa thuận này bị loại trừ thì sự đồng thuận áp dụng đồng mức phí giữa các nhà mạng sẽ trở thành tâm điểm để soi xét.

Dù vậy, nếu cho rằng đó là thỏa thuận có lợi cho người tiêu dùng thì các bên có thể xin miễn trừ. Cần lưu ý rằng, quy định miễn trừ không áp dụng tự động mà để được áp dụng, các bên phải đệ trình hồ sơ, được thẩm định và phải chờ quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh. Tiếp theo, ngoài yếu tố “có lợi” cho người tiêu dùng, một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh lẽ ra bị cấm chỉ được hưởng miễn trừ nếu thuộc một trong số các tình huống được miễn trừ mà Luật Cạnh tranh 2018 đã quy định.

Trở lại với thỏa thuận mức phí SMS banking, không dễ để các bên lập luận rằng, đây là thỏa thuận “có lợi” cho người tiêu dùng, vì ngoài khách hàng sử dụng dịch vụ nhiều thì các khách hàng ít sử dụng dịch vụ còn lại cũng phải chịu chung mức phí. Đặc biệt là, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, nội dung thỏa thuận để được xem xét miễn trừ phải không liên quan đến giá và các yếu tố giá. Cho nên, để được đảm bảo yếu tố “có lợi cho người tiêu dùng”, tốt hơn hết doanh nghiệp cần phải tìm đường khác.

Một giải pháp khác cần được xem xét chính là quy định “giải thoát” nguy cơ vi phạm pháp luật cạnh tranh đối với một số dạng thỏa thuận hợp tác kinh doanh, thương mại. Nhưng để sử dụng tình huống này, các bên cần viện dẫn các quy định của các văn bản khác về các trường hợp có thể loại trừ cho các thỏa thuận trong các ngành, lĩnh vực đặc thù. Trên thực tế, ý kiến của các cơ quan quản lý ngành có tác động lớn, thậm chí là mang tính quyết định. Dù vậy, các quy định này hiện nay còn rất sơ sài, và vì vậy không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng được áp dụng. Do đó, cẩn thận trong mọi thỏa thuận hợp tác kinh doanh vẫn hơn, chứ ngược lại thì không chừng được chuyện nọ lại xọ đến chuyện kia!

Trương Trọng Hiểu - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG TPHCM