Tháng vệ sinh ATTP (15/4 - 15/5): Đừng hám lợi mà làm điều bất lương

Admin
Hàng loạt sai phạm trước Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm (15/4 - 15/5) làm dư luận hết sức lo lắng, các đơn vị đừng vì hám lợi mà bất chấp vi phạm để ảnh hướng đến sức khỏe, tính mạng người
Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả quy mô “khủng” tại Thái Nguyên tháng 1/2022  
Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả quy mô “khủng” tại Thái Nguyên tháng 1/2022  

Đặc biệt, việc Cục ATTP (Bộ Y tế) xử phạt hàng loạt công ty, trong đó có Công ty CP Dược phẩm Hoàng Hường quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật thêm một lần cảnh báo đến người dân khi mua, sử dụng thực phẩm.

Hiện, quá nhiều cá nhân, DN quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng khiến nhiều người nhầm lẫn và mua sử dụng thay thuốc chữa bệnh. Thậm chí, nhiều người còn bỏ điều trị tại bệnh viện chỉ vì tin lời dụ dỗ của những người bán thực phẩm chức năng. Hiện tượng quảng cáo tràn lan, không không đúng sự thật bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là các quảng cáo trên Zalo, Google, Facebook, YouTube... Nhiều đơn vị còn giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi, mạo danh cả bệnh viện và những thầy thuốc uy tín để quảng cáo sai sự thật.

Điều đáng nói, tiếp tay cho hiện tượng này có không ít nghệ sĩ, “sao” Việt là những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng xuất hiện dày đặc trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… mà không bị bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Nhiều sản phẩm không được cơ quan chức năng kiểm chứng về chất lượng.

Mặc dù sai phạm đã rõ nhưng đến nay rất ít nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi công chúng vì đã lên sóng “nổ” sai sự thật. Có nghệ sĩ sau khi bị dư luận lên án thì xóa bài viết, điềm nhiên coi như không có chuyện gì xảy ra. Họ không quan tâm tới những khán giả, khách hàng là nạn nhân tin lời họ khiến tiền mất, tật mang, thậm chí nguy kịch đến tính mạng.

 

 

 

Nghệ sĩ là người của công chúng, việc nghệ sĩ dùng tên tuổi, sức hút truyền thông để quảng cáo cho sản phẩm là điều không sai. Nhưng việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không đúng với lời nói gây cho người tiêu dùng tiền mất, tật mang là điều rất đáng lên án.

Theo thống kê của Cục ATT (Bộ Y tế), trong hai năm 2020 - 2021, Cục đã phạt hành chính khoảng 4 tỷ đồng, buộc tháo gỡ hàng trăm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Thực tế, dù Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an... vào cuộc xử lý vi phạm nhưng đến tình trạng này vẫn giảm không đáng kể. Theo chia sẻ của một lãnh đạo Cục ATTP, “một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận sẵn sàng vi phạm, phạt mãi không chừa".

Để chấn chỉnh hành vi trên, cuối tháng 3/2022, Bộ Y tế tiếp tục ký văn bản gửi Bộ TT&TT, Bộ Công Thương; Bộ VHTT&DL; Bộ KH&ĐT; Bộ Công an; UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ VHTT&DL tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

Mong rằng, các DN, đơn vị đừng vì hám lợi mà bất chấp vi phạm để ảnh hướng đến sức khỏe, tính mạng người dân; còn các nghệ sĩ luôn nêu cao trách nhiệm phụng sự cộng đồng, lan tỏa những điều tốt đẹp, đừng tiếp tay cho những điều sai trái, bất lương. Còn đối với người tiêu dùng, Bộ Y tế khuyến cáo, không có bất kỳ sản phẩm thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh. Tất cả nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh đều là sai sự thật.

Theo Kinh tế đô thị