Sở Công Thương nói gì khi nhiều nhà xưởng ở Thanh Hoá không được cấp điện?

Admin

Cụ thể, đơn vị được phản ánh ở đây là Hợp tác xã nông nghiệp - điện năng xã Xuân Khánh (HTX) - có nhiệm vụ cung cấp điện cho các hộ dân xã Xuân Khánh (nay là xã Xuân Hồng). Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở đây, đã nhiều năm họ chưa được dùng điện sản xuất, và phải trả tiền điện theo giá kinh doanh, sinh hoạt dẫn đến phải “gánh” thêm nhiều chi phí.

Thông tin với Báo Công Thương, ông Nguyễn Đức Toàn, Chánh Thanh tra Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, Sở Công Thương Thanh Hóa là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Công Thương, trong đó có lĩnh vực điện.

Vụ hàng chục nhà xưởng không được cấp điện: Sở Công Thương Thanh Hoá nói gì?
Từ thông tin người dân phản ánh, Sở Công Thương Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra xác minh và hướng dẫn người dân, HTX thực hiện việc thương lượng, giải quyết tranh chấp theo hợp đồng

Sở Công Thương được UBND tỉnh ủy quyền việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định; tổ chức thực hiện công tác cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo các điều kiện trong giấy phép hoạt động điện lực.

Lĩnh vực kinh doanh điện là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và các đơn vị hoạt động điện lực phải đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, đồng thời phải thực hiện đầy đủ và đúng quy định theo Luật Điện lực. Cụ thể ở đây là Hợp tác xã nông nghiệp - điện năng Xuân Khánh - đơn vị bán lẻ điện lực dưới cấp điện áp 35kV, đã được Sở Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực trên địa bàn xã Xuân Hồng.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Giám đốc Sở Công Thương đã chỉ đạo Thanh tra Sở tiến hành xác minh, kiểm tra thông tin. Qua làm việc với hộ dân đã xác định được: Hợp tác xã bán giá điện đúng với mục đích của hợp đồng mua bán điện với hộ dân. Tuy nhiên, chưa chính xác với mục đích sử dụng thực tế theo hướng dẫn của Thông tư 16/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Cụ thể, theo Thông tư 16: “Giá bán điện phải áp dụng theo đúng đối tượng và mục đích sử dụng điện theo quy định tại thông tư này; bên mua điện có trách nhiệm kê khai đúng mục đích sử dụng điện để tính giá bán điện theo quy định của thông tư này.

Trường hợp có thay đổi mục đích sử dụng điện làm thay đổi giá áp dụng, bên mua điện phải thông báo cho bên bán điện trước 15 ngày để điều chỉnh việc áp giá trong hợp đồng theo đúng mục đích sử dụng. Bên bán điện phải kiểm tra và kịp thời áp dụng giá bán điện theo đúng đối tượng quy định.

Trường hợp áp dụng giá sai mục đích sử dụng điện gây thiệt hại cho bên mua hoặc bên bán điện, phải tiến hành truy thu hoặc thoái hoàn tiền điện. Trường hợp không xác định rõ thời điểm áp dụng sai giá thì được tính với thời gian là 12 tháng kể từ thời điểm phát hiện trở về trước".

“Việc áp dụng sai giá mục đích sử dụng điện trong hợp đồng mua bán điện là có nguyên nhân từ cả bên mua và bán khi xác lập giao kết trong hợp đồng. Người dân không nắm rõ quy định pháp luật để đề xuất đúng mục đích sử dụng điện và tự bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của mình; Hợp tác xã không khảo sát hoặc khảo sát không chính xác mục đích sử dụng điện thực tế” - ông Toàn cho biết.

Theo đó, Sở Công Thương đã hướng dẫn người dân và hợp tác xã thực hiện việc thương lượng và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Trường hợp thương lượng không thành, một bên hoặc hai bên có quyền gửi văn bản đề nghị Sở Công Thương giải quyết theo thẩm quyền hoặc tiến hành thủ tục tố tụng.

Ngoài ra, theo Chánh Thanh tra Sở Công Thương Thanh Hoá, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực điện lực, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, các cơ quan chức năng, báo chí để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân và các tổ chức kinh doanh điện; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra định kỳ các công ty hoạt động điện lực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về điện lực; mở rộng các hình thức tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân như thông qua báo chí, thư điện tử, phản ánh trên website, trang thông tin điện tử; tiếp công dân định kỳ của giám đốc; tiếp công dân định lỳ tại phòng tiếp công dân tại Sở Công Thương.

"Với chức năng và nhiệm vụ quan lý Nhà nước, Sở Công Thương sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, tổ chức và sẵn sàng vào cuộc để xác minh, kiểm tra, chấn chỉnh các vi phạm để đảm bảo các cá nhân, tổ chức hoạt động theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động điện lực" - Chánh Thanh tra Sở nhấn mạnh.

   Nguồn: Báo Công Thương