Nhựa Bình Minh Việt ‘nhái’ lô-gô của nhựa Bình Minh

Lô-gô là 1 phần của thương hiệu doanh nghiệp, giúp nhận diện doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp. Vì thế, nhiều doanh nghiệp mới ra đời sau đã “nhái” lô-gô của các doanh nghiệp đi trước đã nổi tiếng để “ăn theo”. Trường hợp Cty Nhựa Bình Minh Việt ‘nhái’ lô-gô của Cty nhựa Bình Minh là ví dụ điển hình.

Lô-gô “nhái” có khả năng gây nhầm lẫn

Công ty CP nhựa Bình Minh (địa chỉ: 240 Hậu Giang, phường 9, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống lâu năm trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ nhựa.

Doanh nghiệp này đã đăng ký và được cấp nhiều Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNĐKNH) cho các sản phẩm nhựa của mình, trong đó có Nhãn hiệu số 73870 bảo hộ hình lô-gô của Công ty: Danh mục sản phẩm/Dịch vụ mang nhãn hiệu thuộc nhóm 19: Ống nước bằng nhựa cứng dùng trong xây dựng, tấm lợp bằng nhựa, các khớp nối ống nhựa bằng nhựa (phụ tùng ống nước nhựa) dùng trong xây dựng; nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng “BM” (có hình minh hoạ tham chiếu dưới đây).

Nghi ngờ Công ty CP Nhựa Bình Minh Việt (Cty Nhựa Bình Minh Việt) sử dụng lô-gô có dấu hiệu “nhái” (tương tự gây nhầm lẫn) lô-gô của Công ty CP nhựa Bình Minh (Cty nhựa Bình Minh) để gắn lên hàng hoá là ống nhựa cứng (và thiết bị ống nước), tháng 9/2023, đơn vị này đã có đơn yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thực hiện giám định để xem có hay không việc xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (lô-gô) đã được cấp chứng nhận bảo hộ cho Cty nhựa Bình Minh.

Anh 1 Bai 2

Tham chiếu lô-gô của Cty Nhựa Bình Minh Việt trên sản phẩm và lô-gô của Cty nhựa Bình Minh được cấp GCNĐKNH.

 

Ngày 02/10/2023, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ ban hành Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số: NH826-23YC/KLGĐ. Theo đó, kết quả giám định cho thấy, Đối tượng giám định (dấu hiệu “BVM và hình” – “Dấu hiệu”) được coi là tương tự với Nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 73870 (“Nhãn hiệu”). Cụ thể:

Với Nhãn hiệu của Cty nhựa Bình Minh: Nhãn hiệu này có hai phần kết hợp với nhau, nhưng có khả năng phân biệt độc lập (Phần chữ “Bình Minh”; và Phần hình elip chứa chữ “BM PLASCO”) – là những thành phần chính (mạnh) của Nhãn hiệu. Nếu Dấu hiệu trùng/tương tự với một trong các thành phần này thì được coi là thuộc phạm vi bảo hộ của Nhãn hiệu.

Dấu hiệu (lô-gô) mà Cty Nhựa Bình Minh Việt sử dụng, được coi là tương tự với thành phần chính (hình elip chứa chữ) của Nhãn hiệu vì đều là hình elip hở cạnh chứa chữ “BM” cách điệu, cỡ lớn nổi bật. Ngoài ra, “BM” trong Nhãn hiệu và Dấu hiệu đều có thể được hiểu là viết tắt của chữ “BÌNH MINH” bởi tiên riêng của các Công ty sử dụng Dấu hiệu và Nhãn hiệu đều có chứ “BÌNH MÌNH”. Chính vì vậy, dù có sự khác nhau về cách trình bày (Nhãn hiệu có chữ “PLASCO”, Dấu hiệu có khoảng hở kéo vào trong giống hình chữ “V”), tuy nhiên khi tiếp cận Dấu hiệu, cùng với sự tương tự về cấu trúc, ý nghĩa như nêu trên người dùng sẽ dễ liên tưởng đến Nhãn hiệu hơn.

Anh 2 Bai 2

Tham chiếu lô-gô của Cty Nhựa Bình Minh Việt trên sản phẩm và lô-gô của Cty nhựa Bình Minh được cấp GCNĐKNH.

Khi Dấu hiệu và Nhãn hiệu được dùng cho cùng loại sản phẩm sẽ gây ấn tượng rằng sản phẩm gắn Dấu hiệu có liên quan về nguồn gốc với sản phẩm mang Nhãn hiệu. Điều này có nghĩa là Dấu hiệu được coi là có khả năng TƯƠNG TỰ GÂY NHẦM LẪN với Nhãn hiệu.

Lô-gô “nhái” của Cty Nhựa Bình Minh Việt có thuộc trường được phép sử dụng không?

Pháp luật có quy định rằng, trong một số trường hợp, Người thứ ba (không phải là chủ sở hữu Nhãn hiệu được bảo hộ), có quyền sử dụng chính nhãn hiệu được bảo hộ hoặc nhãn hiệu (dấu hiệu) tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đó. Trong những trường hợp như vậy, việc sử dụng dấu hiệu không bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu, dấu hiệu được sử dụng không bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu. Các trường hợp đó như sau:

Trường hợp thứ nhất: Dấu hiệu được sử dụng là đối tượng được bảo hộ theo pháp luật, với người có quyền được bảo hộ chính là Người bị nghi ngờ (ví dụ: Đối tượng giám định là Tên thương mại đã được Người bị nghi ngờ sử dụng hợp pháp từ trước ngày Nhãn hiệu đối chứng được bảo hộ).

Trường hợp thứ hai: Dấu hiệu được sử dụng là đối tượng li xăng mà Người bị nghi ngờ là bên nhận (còn bên giao có thể là Chủ sở hữu Nhãn hiệu hoặc là người đã được cấp li xăng từ Chủ sở hữu đó) và việc sử dụng Đối tượng giám định là phù hợp với li xăng đó;

Trường hợp thứ ba: Việc sử dụng Dấu hiệu thuộc trường hợp “sử dụng trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác khác của hàng hóa, dịch vụ” quy định tại điều 125.h Luật Sở hữu trí tuệ;

Trường hợp thứ tư: Việc sử dụng Dấu hiệu thuộc dạng lưu thông/nhập khẩu hàng hóa gắn Dấu hiệu đó nhưng đó là “hàng hóa do chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước nhãn hiệu đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài” theo quy định tại Điều 125.2.b Luật Sở hữu trí tuệ.

Anh 3 Bai 2

Tham chiếu lô-gô của Cty Nhựa Bình Minh Việt trên sản phẩm và lô-gô của Cty nhựa Bình Minh được cấp GCNĐKNH.

Đối tượng giám định – lô-gô Cty Nhựa Bình Minh Việt (dấu hiệu “BVM và hình”) không thuộc trường hợp nào nêu trên, nên bị coi là xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu. Cụ thể:

Đối tượng giám định không thuộc trường hợp thứ nhất, vì: Theo cơ sở dữ liệu về Nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý, Cty Nhựa Bình Minh Việt không có nhãn hiệu nào được bảo hộ có nội dung như Dấu hiệu (lô-gô) dùng cho sản phẩm ống nhựa; Nghĩa là Đối tượng giám định không phải là Nhẫn hiệu được bảo hộ. Đối tượng giám định (lô-gô) cũng không phải Tên thương mại của Công ty này.

Anh 3+1 Bai 2

Theo tra cứu, lô-gô của Cty Nhựa Bình Minh Việt chưa được cấp GCNĐKNH, đang ở trạng thái “đang giải quyết”.

Đối tượng giám định không thuộc trường hợp thứ hai, vì: Theo Cơ sở dữ liệu về Nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý, chủ sở hữu Nhãn hiệu số 73870 không cấp quyền sử dụng nhãn hiệu trên cho Cty CP Nhựa Bình Minh Việt – kể cả li xăng quảng cáo sản phẩm bị xem xét dưới Nhãn hiệu được bảo hộ.

Đối tượng giám định không thuộc trường hợp thứ ba, vì: Đối tượng giám định trên sản phẩm như đã nêu không phải là “dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc, địa lý và các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ, hàng hóa, dịch vụ”.

Đối tượng giám định không thuộc trường hợp thứ tư, vì: Sản phẩm không phải do Chủ sở hữu Nhãn hiệu sản xuất và đưa ra thị trường.

Anh 4 Bai 2

Tham chiếu lô-gô của Cty Nhựa Bình Minh Việt trên sản phẩm đăng trên website và lô-gô của Cty nhựa Bình Minh được cấp GCNĐKNH.

Như vậy, theo Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số: NH826, Dấu hiệu “BVM, hình” – tức lô-gô Cty Nhựa Bình Minh Việt gắn trên sản phẩm ống nhựa cứng của Cty này – là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 77 Nghị định số 65/2023) đối với Nhãn hiệu được bảo hộ cho Nhóm 19 theo GCNĐKNH số 73870 của Cty CP nhựa Bình Minh.

Kết luận giám định này là căn cứ quan trọng để Cty nhựa Bình Minh tiến hành các hành động pháp lý đối với hành vi sử dụng lô-gô “nhái” để gắn vào hàng hoá cùng loại từ phía Cty Nhựa Bình Minh Việt.

Phúc Huy

Link nội dung: https://itoday.vn/nhua-binh-minh-viet-nhai-lo-go-cua-nhua-binh-minh-a462253.html