Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong việc phối hợp tăng cường phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm; nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát, đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Với việc chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tốt dịch bệnh, năm 2024, trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra. Toàn tỉnh không ghi nhận các dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm; các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả. Các dịch bệnh như: Covid-19, tay chân miệng, sởi, ho gà, quai bị… ghi nhận một số ca mắc rải rác ở các địa phương; sốt xuất huyết, sởi, cúm mùa, thủy đậu có ca mắc tăng nhưng đều được kiểm soát ổn định.
Tuy nhiên, thời điểm mùa xuân từ đầu năm 2025 đến nay, thời tiết diễn biến thất thường, nồm ẩm tăng, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển mạnh và gia tăng dịch bệnh. Thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Tại Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Bãi Cháy, chỉ trong tháng 1, đã ghi nhận 226 trường hợp mắc cúm mùa ở mọi lứa tuổi đến khám và nhập viện điều trị, gấp hơn 2 lần so với tháng 12/2024. Đáng chú ý, Khoa đã tiếp nhận điều trị cho những trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi hoặc người không có bệnh lý nền mạn tính nhưng mắc cúm có biến chứng.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh cũng cho hay, từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã giám sát 50 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 32 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, ghi nhận rải rác các ca mắc cúm A, Cúm B, Sởi, sốt xuất huyết... tại một số địa phương; đã có bệnh nhân nam 13 tuổi, nhập viện sau một ngày sốt cao, suy hô hấp, test nhanh dương tính cúm A, tử vong nghi do nhiễm virus này.
Để phòng, chống bệnh truyền nhiễm lây lan, từ ngày 14/2/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh năm 2025. Đến ngày 21/2, trước tình hình nguy cơ dịch bệnh cao hơn, UBND tỉnh tiếp tục ban hành công văn số 443/UBND-VHXH về tăng cường phòng chống bệnh Cúm và phòng chống các bệnh truyền nhiễm mùa xuân - hè.
Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa xuân - hè hiệu quả, kịp thời.
Với công tác tiêm chủng, ngành chức năng tổ chức tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; đảm bảo tốt tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, VGB, Hib, bại liệt uống, sởi, vắc xin uốn ván…; rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng các loại bệnh.
Các cơ sở y tế theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyên qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus; chủ động công tác giám sát, lưu ý việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp... Đồng thời, tổ chức triển khai các biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm
Sở Y tế đảm bảo sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị phục vụ công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường họp nhập viện. Tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật... Đồng thời, đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ hóa chất, thuốc, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, xử lý dịch kịp thời và hiệu quả.
Thời gian qua, các đơn vị y tế trên địa bàn cũng đã chủ động phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh, đảm bảo công tác điều trị, giảm thiểu tối đa lây nhiễm chéo trong cơ sở khám chữa bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên động vật có nguy cơ truyền sang người như cúm gia cầm, dại,... và chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp xử lý dịch trên động vật khi xuất hiện; kịp thời thông tin cho Sở Y tế về các ổ dịch trên động vật để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm sang người.
Công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông về tình hình bệnh truyền nhiễm được tăng cường; đặc biệt truyền thông đặc thù với từng bệnh truyền nhiễm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh, để người dân không hoang mang và chủ động phòng, chống bệnh.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc tích cực, song để việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chủ động, hình thành thói quen phòng bệnh như: thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường, ở chỗ đông người; rửa tay với xà phòng; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin phòng bệnh, cần chủ động tiêm vắc-xin đúng và đủ theo yêu cầu của cơ sở y tế. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh chủ quan tự ý điều trị để bệnh chuyển biến nặng.
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh, hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ năm 2023, với 322 ca Covid-19, giảm mạnh so với cùng kỳ (3.817 ca); 393 ca tay chân miệng; 4 ca liên cầu lợn. Không ghi nhận ca bệnh dại trên người. Riêng sốt xuất huyết có 713 ca, tăng 19,6 % so với năm 2023 (596 ca). Một số bệnh truyền nhiễm có vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng có xu hướng gia tăng nhẹ số ca mắc, như: 25 ca sởi, 66 ca ho gà; các ca mắc rải rác; không ghi nhận các ổ dịch lớn và sự lây lan, bùng phát trong cộng đồng.
Khánh Đan
Link nội dung: https://itoday.vn/quang-ninh-chu-dong-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-a460973.html