Xin chữ đầu năm – Nét đẹp văn hóa ngày Tết

(SHTT) - Vào mỗi dịp Tết, bên cạnh những phong tục quen thuộc như chúc Tết, lì xì, hái lộc, phong tục “xin chữ đầu năm” đã trở thành một nét đẹp văn hóa mang đậm tinh thần hiếu học và ước nguyện về một năm mới bình an, thành đạt.

Nguồn gốc phong tục xin chữ đầu năm

Tục xin chữ đầu năm đã có từ lâu đời, bắt nguồn từ truyền thống tôn sư trọng đạo và đề cao tri thức của người Việt. Ngày xưa, các nho sĩ, thầy đồ, người học rộng tài cao thường được nhân dân kính trọng và tìm đến để xin chữ vào mỗi dịp đầu năm. Những con chữ được viết bằng thư pháp không chỉ là món quà tinh thần, mà còn chứa đựng những lời chúc phúc, cầu mong may mắn, thành công và hạnh phúc.

c1

 

 

Ý nghĩa sâu sắc của việc xin chữ đầu năm

 Người xưa quan niệm rằng chữ nghĩa không chỉ giúp con người mở mang trí tuệ mà còn rèn luyện phẩm hạnh, bồi dưỡng tâm hồn. Xin chữ đầu năm không chỉ mang tính tâm linh mà còn thể hiện lòng hiếu học, đề cao tri thức và tôn trọng nét đẹp truyền thống. Mỗi chữ được xin mang trong mình một thông điệp ý nghĩa:

Chữ "Phúc": Cầu mong may mắn, hạnh phúc và bình an đến với gia đình.

Chữ "Lộc": Mong cho công danh, sự nghiệp hanh thông, tài lộc dồi dào.

Chữ "Tâm": Nhắc nhở con người sống thiện lương, chân thành.

Chữ "Nhẫn": Hướng con người đến sự kiên trì, nhẫn nại trong cuộc sống.

c2

“Phúc”: Mong gia đình an vui, sung túc 

Không chỉ là một thú vui tao nhã, việc xin chữ còn thể hiện sự trân trọng tri thức và mong cầu những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Mỗi con chữ là một bài học, một lời nhắc nhở để người xin chữ luôn tự soi rọi lại bản thân, sống có ý nghĩa và trách nhiệm hơn.

Thầy đồ – Người giữ lửa truyền thống giữa dòng chảy hiện đại

Thầy đồ không chỉ là người viết chữ mà còn là một nghệ nhân thực thụ. Mỗi nét bút không chỉ thể hiện sự khéo léo mà còn phản ánh phong thái, tâm hồn của người viết. Một chữ đẹp không đơn thuần chỉ là những đường nét uốn lượn mềm mại mà còn phải mang thần thái, có hồn, truyền tải trọn vẹn ý nghĩa sâu sắc của từng con chữ.

c3

 

Thư pháp Việt Nam đặc biệt ở chỗ không rập khuôn mà mang đậm cá tính của người viết. Người thầy phải có sự luyện tập công phu, kiên trì hàng chục năm để thể hiện được cái "thần" của từng chữ. Vì vậy, khi nhận một bức thư pháp, người xin chữ không chỉ trân trọng giá trị tinh thần mà còn cảm nhận được cả tâm huyết, tài hoa của người cầm bút.

Dù xã hội ngày càng phát triển, phong tục xin chữ và hình ảnh thầy đồ vẫn giữ nguyên giá trị. Trước đây, thầy đồ thường viết chữ trong không gian tĩnh lặng của các văn miếu, đền chùa, nhưng ngày nay, hình ảnh các ông đồ khoác áo dài truyền thống ngồi bên phố ông đồ giữa lòng đô thị nhộn nhịp lại mang một nét đẹp rất riêng. Điều đó chứng tỏ thư pháp vẫn có chỗ đứng trong tâm hồn người Việt, vẫn là một nét đẹp cần được trân quý và gìn giữ.

Không gian xin chữ đầu năm – Một góc xuân ấm áp

Những ngày đầu năm, tại các các con phố xin chữ như Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Phố Ông đồ Thành phố Hồ Chí Minh (bên hông Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố, Quận 1), hay những góc chợ xuân truyền thống lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những chiếc bàn gỗ nhỏ, những bức thư pháp trải dài trên nền giấy đỏ, cùng hình ảnh các thầy đồ khoác áo dài khăn đóng, tỉ mẩn vung bút tạo nên một không gian văn hóa đậm chất cổ xưa, gợi nhắc về một thời đại nơi chữ nghĩa được nâng niu, trân trọng. Người lớn, trẻ nhỏ háo hức tìm đến các thầy đồ để xin cho mình một chữ ý nghĩa.

c4

Xin chữ ngày xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám 

Không gian xin chữ đầu năm mang vẻ đẹp hoài cổ, thấm đượm hơi thở mùa xuân, phảng phất trong từng sắc màu và thanh âm:

Màu đỏ rực rỡ của giấy dó, giấy điều - Tượng trưng cho may mắn, phúc lộc tràn đầy.

Màu đen của từng nét mực tàu - Biểu tượng của tri thức và tinh thần vững chãi.

Hương trầm phảng phất xen lẫn mùi mực mới, tạo nên không khí linh thiêng, tĩnh lặng.

Tiếng cười nói rộn ràng của người xin chữ, tiếng thầy đồ nhẹ nhàng giải thích ý nghĩa và tiếng bút lướt trên giấy hòa quyện vào nhau, tạo nên một không gian ngày Tết vừa trang nghiêm, vừa ấm áp.

c5

 

Mỗi người đến xin chữ đều mang theo những ước nguyện riêng. Người già xin chữ “Đức”, “Tâm” để nhắc nhở con cháu sống hiếu nghĩa, nhân hậu. Người kinh doanh xin chữ “Lộc”, “Phát” với mong cầu một năm thuận lợi, phát đạt. Học trò xin chữ “Trí”, “Đạt” để hướng tới con đường học hành hanh thông, công danh rạng rỡ.

Mỗi độ xuân về, khi những câu đối đỏ lại tung bay trên phố, khi mực thư pháp vẫn còn trong dấu ấn trong lòng người, ta hiểu rằng xin chữ đầu năm không chỉ đơn thuần là một phong tục mà còn là một nét đẹp văn hóa, gửi gắm biết bao ước vọng và niềm tin vào một năm mới hanh thông, tốt lành.

Như Quý

Link nội dung: https://itoday.vn/xin-chu-dau-nam-net-dep-van-hoa-ngay-tet-a460518.html