Mùa xuân - mùa của sự khởi đầu, của đất trời giao hòa, cũng là thời điểm lý tưởng để con người tìm đến giá trị tâm linh. Trong văn hóa người Việt, đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp truyền thống, mang ý nghĩa cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn.
Phong tục đi chùa đầu năm của người Việt Nam có thể bắt nguồn từ thời kỳ Phật giáo du nhập vào nước ta, khoảng thế kỷ 2-3 sau Công Nguyên. Từ đó, Phật giáo trở thành một trong những tôn giáo chủ yếu và được truyền bá rộng rãi trong cộng đồng người Việt. Chùa trở thành những nơi linh thiêng, nơi tín đồ Phật tử tìm về để tôn thờ và thực hiện các nghi lễ tâm linh.
Phần lớn người đi lễ chùa đầu năm theo truyền thống gia đình, từ đời này sang đời khác, những người đi chùa trở thành một thói quen có thể diễn ra hàng ngày. Phong tục lễ chùa đầu xuân tuân theo quy luật của tự nhiên "Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng" (mùa xuân sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thâu rút lại, mùa đông ẩn tàng, chất chứa...).
Trong sự chuyển vận tự nhiên của vạn vật, đất trời, thì việc lễ chùa vào mùa xuân vừa là khởi đầu của một năm, vừa là khởi đầu của sự sống. Trải qua thời gian, ý niệm đó trở thành yếu tố tâm linh gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của người Việt, như hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa Việt.
Việc đi lễ chùa đầu năm thể hiện lòng thành kính và mong cầu một năm mới bình an, may mắn. Vào những ngày đầu xuân, người dân thường đến chùa để dâng hương, lễ Phật, xin lộc và cầu mong sức khỏe, tài lộc cho bản thân và gia đình. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc đi chùa còn giúp con người tìm về sự bình yên trong tâm hồn, buông bỏ muộn phiền của năm cũ và hướng tới những điều tốt đẹp.
Những điều kiêng kỵ, nguyên tắc cần biết khi đi lễ chùa đầu năm
Đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, khi đi lễ chùa vào đầu năm để mang lại nhiều may mắn, bạn cần lưu ý một số điều kiêng kỵ và nguyên tắc sau:
Trang phục
Chùa chiền là một nơi linh thiêng, được dùng để thờ tụng, vì vậy khi đến đây, bạn cần phải ăn mặc lịch sự và kín đáo. Điều này bao gồm việc chọn những trang phục có màu sắc nhã nhặn, đặc biệt là trang phục có cùng tông màu với áo tràng hoặc áo lam của Phật tử. Việc lựa chọn này không chỉ thể hiện lòng thành kính với bề trên mà còn tôn lên nét giản dị và dịu dàng.
Những lưu ý khi lễ chùa
Không thắp hương trong khu vực bên trong chùa: Nên thắp hương tại các đỉnh hương ngoài sân chùa để tránh làm ô nhiễm không gian linh thiêng.
Không chụp ảnh hay quay phim trong chùa: Đây là hành động thiếu tôn trọng đối với không gian tôn nghiêm.
Không đặt lễ mặn, tiền vàng mã trong chùa: Những lễ vật này chỉ phù hợp ở ngoài khu vực Tam Bảo.
Không để trẻ em nghịch ngợm: Trẻ em không nên đùa giỡn hay sờ mó vào tượng Phật trong chùa.
Dù thời gian có trôi qua, phong tục đi chùa đầu năm vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Duy Anh - Như Quý
Link nội dung: https://itoday.vn/van-hoa-di-le-chua-dau-nam-cua-nguoi-dan-viet-nam-a460495.html