Vai trò của bản quyền tin tức đối với báo chí
Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực báo chí cũng đã ngày càng được nâng cao hơn.
Trong bối cảnh báo chí hiện đại đối mặt với nhiều thách thức từ công nghệ số và sự lan truyền nhanh chóng của thông tin, bản quyền tin tức ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các nhà báo và tổ chức truyền thông. Không chỉ đảm bảo nội dung sáng tạo được đảm bảo tính toàn vẹn, bản quyền còn là động lực thúc đẩy các tòa soạn đầu tư mạnh mẽ hơn vào chất lượng nội dung.
Giá trị của tin tức báo chí hoàn toàn nằm ở khả năng bảo hộ quyền tác giả các tác phẩm báo chí. Mất quyền tác giả, các tòa soạn sẽ mất người đọc, mất luôn khả năng gia tăng doanh thu và các cơ hội khai thác kinh tế khác.
Bản quyền tin tức giúp giảm thiểu tình trạng sao chép trái phép, vi phạm đạo đức báo chí và góp phần tạo dựng niềm tin nơi công chúng bằng những thông tin chính xác, đáng tin cậy. Việc tuân thủ bản quyền không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là cách để các cơ quan báo chí khẳng định uy tín, tạo sức cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ giá trị cốt lõi của ngành báo chí trước những biến động không ngừng của lĩnh vực thông tin truyền thông.
Thực trạng xâm phạm bản quyền báo chí
Theo pháp luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là một trong các quyền cơ bản của người sáng tạo, của đơn vị sản xuất và cung cấp nội dung. Trong môi trường truyền thông số vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phổ biến với tính chất phức tạp, phạm vi rộng.
Trong đó, các hành vi phổ biến nhất là sao chép một phần hoặc toàn bộ nội dung tác phẩm báo chí và đăng lại trên các nền tảng điện tử khác nhau như các trang thông tin điện tử hay các nền tảng mạng xã hội, mạo danh cơ quan báo chí hoặc tác giả, không trích dẫn nguồn, tác giả, tên cơ quan báo chí của tác phẩm báo chí và chỉnh sửa, cắt ghép nội dung tác phẩm báo chí dẫn đến thông tin báo chí được đưa tin sai lệch. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí.
Theo số thống kê sơ bộ của các ngành chức năng, hiện nay, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và uy tín. Các bài viết, hình ảnh, video chất lượng cao bị sao chép, cắt ghép, thậm chí bị bóp méo thông tin một cách trắng trợn.
Không chỉ vậy, hành vi vi phạm bản quyền còn làm giảm sút sự sáng tạo của các nhà báo và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành báo chí nói riêng và xã hội nói chung. Trước thực trạng đáng báo động này, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của các cơ quan báo chí và người sáng tạo.
PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo ‘Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số’ tại Hà Nội ngày 13/09/2023, việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hoá.
Theo ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí.
Sự bùng nổ của Internet, cùng với ý thức về bản quyền còn hạn chế và khung pháp lý chưa hoàn thiện, đã tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng vi phạm bản quyền báo chí diễn ra ngày càng phổ biến. Việc xác định nguồn gốc thông tin trên môi trường số trở nên khó khăn, khiến cho việc xâm phạm bản quyền trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, mức xử phạt hiện hành còn tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe những kẻ vi phạm, khiến vấn nạn này càng trở nên phức tạp.
Giải pháp bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trên môi trường số
Để bảo vệ hiệu quả quyền tác giả, các cơ quan báo chí cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Bản quyền tác giả để xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Để thích ứng với sự phát triển không ngừng của công nghệ và xu hướng truyền thông, các cơ quan báo chí cần không ngừng học hỏi và cập nhật những kiến thức, công cụ mới nhất trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền. Việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng là yếu tố quan trọng giúp tìm ra những giải pháp phù hợp nhất với điều kiện của báo chí Việt Nam.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp luật, tăng cường xử lý vi phạm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ và nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền sở hữu trí tuệ. Các cơ quan báo chí cần chủ động đăng ký bản quyền, sử dụng công nghệ bảo vệ nội dung, hợp tác với nhau để chia sẻ thông tin và cùng nhau chống lại hành vi vi phạm.
Đồng thời, độc giả cũng cần nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền, không chia sẻ thông tin trái phép và lựa chọn các nguồn tin uy tín. Chỉ khi có sự chung tay của cả xã hội, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường báo chí lành mạnh, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người sáng tạo.
Hoài Thương
Link nội dung: https://itoday.vn/giu-ngon-lua-sang-tao-bao-ve-ban-quyen-bao-chi-tren-moi-truong-so-a460027.html