Cảnh giác với chiêu lừa đảo mua bán tiền giả trên mạng xã hội dịp Tết Nguyên Đán

(SHTT) - Gần đây, mạng xã hội như Facebook, TikTok tràn lan thông tin rao bán tiền giả. Cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc tuy nhiên các giao dịch vẫn diễn ra tinh vi, gây ra nhiều hệ luỵ. Người dân cần nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không tham gia vào hành vi vi phạm pháp luật này.

Nhu cầu mua bán cao

Hiện tượng mua bán tiền giả trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok đang ngày càng phổ biến và gây lo ngại. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "tiền giả", hàng loạt các tài khoản cá nhân và hội nhóm liên quan đến hoạt động liên quan đến “tiền giả” sẽ xuất hiện. Các thông tin bình luận phía dưới phần lớn là người bán nhắn nhủ sẽ báo giá riêng tư vào tài khoản cá nhân của khách hàng.

Được biết, người bán thường để lại thông tin mập mờ trên bài đăng và khuyến khích khách hàng nhắn tin trực tiếp để được báo giá. Ngoài ra, ngay khi người mua truy cập vào trang cá nhân của người bán, họ sẽ lập tức nhận được tin nhắn riêng giới thiệu về dịch vụ bán tiền giả.

z1

 

 

Các bài viết và clip quảng cáo rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, ví dụ như 1 triệu đồng mua được 10 triệu đồng, có tài khoản rao bán 1 triệu đồng được 14 triệu đồng không phải đặt cọc trước và được kiểm tra hàng. Đặc biệt, người mua càng đặt số lượng lớn, tỷ lệ quy đổi sẽ càng ưu đãi. Việc thanh toán không yêu cầu đặt cọc trước; khách hàng nhận hàng qua bưu điện, kiểm tra toán trực tiếp cho nhân viên bưu điện hoặc người giao tới và được kiểm tra trước khi nhận hàng.

Theo tài khoản "Polime toàn quốc", tiền giả giống tiền thật tới 99%. Vì vậy, ở phía dưới mỗi bài đăng quảng cáo về tiền giả trên mạng xã hội, có hàng trăm tin nhắn hỏi giá và có nhu cầu mua tiền giả. Đáng chú ý, các tin nhắn từ các tài khoản là học sinh, sinh viên và người trẻ tuổi chiếm phần đa.

Cần ngăn chặn triệt để các hành vi lừa đảo “tiền giả”

Liên quan đến vấn đề này, trong năm 2024, các lực lượng chức năng đã khởi tố nhiều đối tượng lưu hành tiền giả.

Cụ thể, ngày 15/6/2024, Công an tỉnh Bình Thuận kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để truy tố 02 đối tượng là Trần Đình Hưng (sinh năm 1995), trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh và Cung Đức Vy (sinh năm 1990), trú tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh về tội “tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Cũng trong tháng 6/2024, Công an tỉnh Nam Định bắt giữ đối tượng Hoàng Văn Quảng (tỉnh Quảng Ninh) về tội “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.

z2

 

Đến cuối tháng 9/2024, Công an tỉnh Tuyên Quang đã bắt 8 bị can về tội tàng trữ, lưu hành tiền giả, với 126 đơn hàng có tổng số tiền trên 400 triệu đồng.

Trước thực trạng kinh doanh, buôn bán tiền giả gia tăng hiện nay. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 58/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 hướng dẫn về xử lý tiền giả và tiền nghi giả trong ngành Ngân hàng.

Theo đó, các chi nhánh, sở giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi phát hiện một trong 4 trường hợp: Giao dịch có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; tiền giả loại mới; có từ 5 tờ tiền giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) trong một giao dịch; khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả. Thời gian áp dụng các quy định này từ ngày 14/2/2025.

Theo Luật sư Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Luật AEC (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị phạt tù 3-7 năm.

Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đến dưới 50 triệu đồng bị phạt tù 5-12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù 10-20 năm hoặc tù chung thân.

Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-3 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thực tế cho thấy, việc rao bán tiền giả ngày càng trở nên tinh vi khi các đối tượng sử dụng tài khoản ảo và sim rác để thực hiện giao dịch, khiến công tác điều tra của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng lưu hành tiền giả. Đồng thời, việc đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về cách nhận diện tiền giả là cần thiết, giúp họ phòng ngừa tội phạm và bảo vệ tài sản của chính mình.

Vân Anh

Link nội dung: https://itoday.vn/canh-giac-voi-chieu-lua-dao-mua-ban-tien-gia-tren-mang-xa-hoi-dip-tet-nguyen-dan-a460025.html