Sau xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm qui định về khai thác tài nguyên tại mỏ than Minh Tiến: Nhiều vấn đề pháp lý cần được tiếp tục xem xét ?

Sau 3 ngày xét xử, tòa án phúc thẩm vụ án: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và "Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ" tại mỏ than Minh Tiến (Đại Từ, Thái Nguyên) đã đưa ra phán quyết với 9 bị cáo kêu oan là giữ nguyên mức án tòa sơ thẩm đã tuyên.

Theo đó, sáng 05/12/2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm, xét kháng cáo của 13 bị cáo trong vụ khai thác trái phép hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm tại Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

 

Nội dung sự việc

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2014, Công ty Yên Phước do Châu Thị Mỹ Linh làm Tổng giám đốc được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ), với tổng trữ lượng được cấp phép là 136.000 tấn, công suất khai thác 8.500 tấn/năm, thời hạn khai thác đến tháng 6/2031. Tháng 6/2018, Công ty Yên Phước bắt đầu khai thác than lộ thiên tại Khu B Mỏ than Minh Tiến. Từ tháng 7/2018 đến tháng 3/2019, thông qua giới thiệu của Đàm Hương Huệ, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã mua của Công ty Yên Phước 25.554,47 tấn than và bã sàng với tổng số tiền 19.246.406.200 đồng. Đàm Hương Huệ được Công ty Đông Bắc Hải Dương thuê vận chuyển toàn bộ số than nêu trên.

Tháng 3/2019, Công ty Đông Bắc Hải Dương và Châu Thị Mỹ Linh thỏa thuận việc khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến như sau: Công ty Đông Bắc Hải Dương mua toàn bộ số than Công ty Yên Phước đã khai thác còn tồn tại mỏ với giá 9,95 tỷ đồng; mua toàn bộ máy móc, thiết bị khai thác, vận chuyển than hiện có của Công ty Yên Phước với giá 15 tỷ đồng và Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp khai thác than tại mỏ với công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm (gấp 47,05 lần trữ lượng được cấp phép).

Từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác tại Mỏ than Minh Tiến số lượng 1.145.933,46 tấn than, 330.714,76 m3 bã sàng và 89.066,09 m3 đá đen; tổng giá trị đã thanh toán cho Châu Thị Mỹ Linh và Ngụy Quang Thuyên hơn 145 tỷ đồng (chưa bao gồm 1.581.766 tấn than nguyên khai đã khai thác trái phép, chưa tiêu thụ và bị phát hiện, thu giữ tại Mỏ than Minh Tiến).

Để tiêu thụ số than khai thác trái phép tại Mỏ than Minh Tiến, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn GTGT của các doanh nghiệp tại Nam Định do Trần Ngọc Hán chỉ đạo, điều hành và các doanh nghiệp tại Hải Phòng do Lã Xuân Hữu chỉ đạo, điều hành.

Cơ quan tiến hành tố tụng xác định, Châu Thị Mỹ Linh cùng các đồng phạm đã thực hiện khai thác thực tế hơn 3.188.534 tấn than và khoáng sản đi kèm, vượt quá tổng sản lượng khai thác cấp phép là hơn 3.052.278 tấn, thu lợi bất chính hơn 375 tỷ đồng.

Để xảy ra việc khai thác trái phép than tại Mỏ than Minh Tiến của Công ty Yên Phước trong thời gian gian dài với số lượng rất lớn, gây thất thoát về tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên trong việc thẩm định, cấp phép khai thác khoáng sản và thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty Yên Phước. Việc mua bán trái phép vật liệu nổ có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên trong việc thẩm định, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phước.

Tại Bản án sơ thẩm số 67/2023/HS-ST ngày 27/10/2023, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt các bị cáo Châu Thị Mỹ Linh và bị cáo Ngụy Quang Thuyên lần lượt 19 năm tù và 18 năm tù về 2 tội danh “vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “mua bán trái phép vật liệu nổ”.

Bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn, cựu Giám đốc và bị cáo Nguyễn Thế Giang, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên bị tuyên phạt lần lượt 36 tháng tù và 42 tháng tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Một số bị cáo còn lại trong vụ án này bị tuyên phạt từ 9 tháng tù, cho hưởng án treo, đến 5 năm 6 tháng tù giam.

 

Góc nhìn của luật sư

Ngày 5/12/2024, tại Trụ sở TAND tỉnh Thái Nguyên, TACC tại Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án: Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Điều 227 "Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ" theo Điều 305 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong số các bị cáo, có bà Châu Thị Mỹ Linh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước và 08 nhân viên của cty này. Đây là một trong những vụ án được dư luận tại Thái Nguyên, các cơ quan tư pháp TW và địa phương quan tâm nhất. Không những bởi số lượng bị cáo bị khởi tố nhiều nhất ở Thái Nguyên mà còn ở số lượng đơn kháng cáo kêu oan nhiều nhất so với các vụ án đã xét xử thời gian gần đây.

Tại phiên xét xử, đa số các luật sư bào chữa cho các bị cáo Châu Thị Mỹ Linh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước và 08 nhân viên của cty này, đã tập trung luận giải, phân tích kỹ lượng về những vấn đề vi phạm nghiêm trọng liên quan đến việc điều tra, truy tố và xét xử hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và "Mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ" đối với các Bị cáo thuộc Công ty Yên Phước, và cho rằng Bản án hình sự sơ thẩm số 67/2023/HS-ST ngày 27/10/2023 của TAND tỉnh Thái Nguyên đã chưa xem xét một cách khách quan, toàn diện hồ sơ vụ án. Những chứng cứ buộc tội còn yếu, chưa thuyết phục; đã phần là dẫn chiếu từ các bản cung nhận tội của các bị cáo; những chứng cứ từ những lời khai này không phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án, không phải là căn cứ duy nhất để buộc tội các bị cáo; quá trình điều tra, truy tố và xét xử phát hiện có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, kết tội oan sai đối với bà Châu Thị Mỹ Linh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước và 08 nhân viên Công ty cổ phần Yên Phước.

Trao đổi với phóng viên bên lề phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Nguyễn Xuân Dũng – Công ty luật TNHH Hà Thành, là luật sư trực tiếp tham gia phiên phúc thẩm bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo Châu Thị Mỹ Linh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước cho biết:

Vì tính chất quan trọng của vụ án, các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử thật sự công tâm và khách quan, vận dụng triệt để nguyên tắc “Suy đoán vô tội” và nguyên tắc “Xác định sự thật vụ án” được quy định tại Điều 13 và 15 BLTTHS 2015 để làm nền tảng, định hướng cho những phán quyết của mình. Việc áp dụng Nguyên tắc này nhằm bảo đảm cho việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, đồng thời tránh sai sót trong việc áp dụng pháp luật.

Trên cơ sở các luận cứ, các luật sư đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội áp dụng Điều 358 BLTTHS 2015 tuyên hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 67/2023/HS-ST ngày 27/10/2023 của TAND tỉnh Thái Nguyên để điều tra, xét xử lại. Trường hợp xét thấy không đủ căn cứ kết tội thì tuyên các bị cáo thuộc Công ty Yên Phước vô tội, trả tự do tại tòa.

Cũng tại phiên tòa, LS Nguyễn Minh Cường thuộc Văn phòng luật sư Nguyễn Cường & Cộng sự - Chi nhánh Hà Nội nhận tham gia bào chữa cho bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước và 08 nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước cho rằng: “Không có căn cứ buộc tội các bị cáo của Công ty Cổ phần Yên phước về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Điều 227”.

Theo LS Cường, khoáng sản khai thác không phải là than theo Giấy phép và TCVN, số lượng 3.188.534,78 tấn khoáng sản mà CQĐT xác định Công ty Cổ phần Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương khai thác vượt công suất không phải là than được ghi nhận trong theo mục 2 và mục 6 của Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Cổ phần Yên Phước. Theo Giấy phép khai thác khoáng sản, sản phẩm sau khai thác là: Than cám 3, cám 4 và than kẹp lẫn sit được sàng tuyển, phối trộn làm than phụ phẩm. Tuy nhiên, Bản kết luận giám định tư pháp ngày 24/02/2023 của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường kết luận các mẫu khoáng sản đưa đi giám định là: Chủng loại than dưới mức chất lượng than không phân cấp. Theo TCVN 8910:2020, Than thương phẩm - Yêu cầu kỹ thuật thì chủng loại than dưới mức chất lượng than không phân cấp không phải là than cám 3, cám 4 và cũng không phải là than theo TCVN.

 

Tuy nhiên, sau 3 ngày xét xử, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao giữ nguyên mức án đã tuyên đối với những bị cáo kêu oan với bản án sơ thẩm.

Kết thúc phiên tòa, phía luật sư và bị cáo cho biết tiếp tục bảo lưu đơn kêu oan và sẽ theo sự việc đến cùng.

PV

Link nội dung: https://itoday.vn/sau-xet-xu-phuc-tham-vu-an-vi-pham-qui-dinh-ve-khai-thac-tai-nguyen-tai-mo-than-minh-tien-nhieu-van-de-phap-ly-can-duoc-tiep-tuc-xem-xet-a459215.html