Trong khuôn khổ kì hợp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu để thể hiện sự quan tâm lớn tới vấn đề thực phẩm chức năng, mỹ phẩm dược bán tràn lan trên thị trường nói chung, mạng xã hội nói riêng, thậm chí len lỏi đến các bản làng, vùng sâu, vùng xa, lừa đảo người cao tuổi.
Phản hồi về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định hiện hành, đối với thực phẩm chức năng và mỹ phẩm quản lý theo cơ chế hậu kiểm, công bố sản phẩm và kiểm tra hậu kiểm.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm khi đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh với các đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm và tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế. Cùng với đó, các cơ quan quản lý sẽ thực hiện kiểm tra và xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã có quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất hàng giả, hàng cấm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Với sản phẩm lách luật bằng cách bán trên website, trang thương mại điện tử hoặc tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt người cao tuổi, cần tiếp tục hoàn thiện quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh, tăng mức xử phạt vi phạm; tăng cường hoạt động của quản lý thị trường vàc các đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, tình trạng các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại các cửa hàng, hoặc bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông để tăng cường kiểm soát việc bán hàng trên thị trường, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là liên quan đến mạng xã hội, khi máy chủ đặt ở nước ngoài, nên việc kiểm soát nằm ngoài phạm vi của cơ quan chức năng.
Quỳnh Trang
Link nội dung: https://itoday.vn/tang-cuong-xu-ly-hanh-vi-lua-ban-thuc-pham-chuc-nang-cho-nguoi-cao-tuoi-a458687.html