Cần tăng cường các biện pháp xử lý để ngăn chặn thực phẩm chức năng giả

(SHTT) - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, các vi phạm liên quan tới hoạt đông kinh doanh thực phẩm chức năng giả vẫn tồn tại do nhiều yếu tố khách quan. Đề ngăn chặn tình trạng này, Bộ trưởng đề xuất các doanh nghiệp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc và có thể cấm xuất nhập cảnh.

Trả lời chất vấn đại biểu quốc hội về thực trạng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tại Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng ở nước ta đến nay cơ bản đáp ứng thực tế.

Cụ thể, nước ta đã có Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến thực phẩm chức năng…

20210309_thuc-pham-chuc-nang-la-gi1

 

 

Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Công thương, Ban chỉ đạo 389, Bộ TT&TT trong vấn đề quản lý các website bán hàng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch trong vấn đề quảng cáo, để có giải pháp chấn chỉnh cụ thể đối với từng vi phạm trong quảng cáo bán các sản phẩm không đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng cũng cho biết, nếu sản xuất thực phẩm chức năng tốt thì đây là lợi thế để chúng ta xuất khẩu. Hiện nay, thực phẩm chức năng của nước ta đã xuất khẩu ở trên 30 nước trên thế giới, trong đó các loại vitamin. Đây sẽ là thế mạnh nếu nước ta quan tâm và đầu tư tốt vào lĩnh vực này.

Bộ trưởng cũng cho biết, chúng ta đã có quy định liên quan tới sản xuất thực hành tốt - GMP đối với thực phẩm chức năng từ năm 2019. Tức là, các nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng ở nước ta nếu đáp ứng được thì phải đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về sản xuất thực hành tốt và Việt Nam là nước đầu tiên của Asean áp dụng quy chuẩn này. 

Sau khi áp dụng quy chuẩn này, đến nay nước ta có 201 cơ sở thực hiện đúng theo quy định về sản xuất và đảm bảo chất lượng. Trước đó, nước ta có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, các quy định về xử phạt về sản xuất, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng đã quy định rõ trong các quy định của Bộ luật Hình sự. Ví dụ, quy định xử lý hành chính liên quan tới 7 lần giá trị hàng hoá vi phạm; các quy định đến 20 năm tù…Đây là những quy định xử phạt rất mạnh.

z60216197451494a0306717444e00e78b32fdd47882184-17313220756961256757909

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua vẫn có vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. Bởi sản xuất thực phẩm chức năng, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận cao khi họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người sử dụng, thổi phồng các giá trị của mặt hàng được sản xuất ra để thu lợi…

Để giải quyết các vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện Bộ Y tế đã có trang web của Cục An toàn thực phẩm để cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp sản xuất đúng quy định để các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu các mặt hàng sản xuất đúng theo quy định.

Đối với những người vi phạm, Bộ Y tế cũng có cảnh báo như gửi công văn đến đến các bộ, ngành liên quan để kịp thời xử lý.

Tuy nhiên, thực tế, vấn đề bất cập hiện nay do liên quan đến quảng cáo trên các trang mạng xã hội có đặt máy chủ ở nước ngoài, khiến các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề xuất các doanh nghiệp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc, có thể áp dụng biện pháp cấm xuất nhập cảnh.

Cũng tại phiên chất vấn, khi được hỏi về việc kiểm soát mua bán thực phẩm chức năng xách tay, bà Hồng Lan nói việc kinh doanh thực phẩm chức năng và mỹ phẩm bắt buộc phải tuân thủ các quy định về đăng ký, công bố và dán nhãn sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay nhiều sản phẩm đang được bán trôi nổi trên thị trường mà không đảm bảo các yêu cầu này.

Việc quảng cáo sản phẩm phải có giấy xác nhận nội dung và việc bán hàng online không rõ nguồn gốc là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc mua - bán hàng xách tay vẫn diễn ra trong thực tế. Nguyên nhân là do lợi nhuận cao, tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng và khó khăn trong việc kiểm soát bán hàng trực tuyến.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát hoạt động bán hàng online, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và thành lập đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các vi phạm.

Quỳnh Trang

 

Link nội dung: https://itoday.vn/can-tang-cuong-cac-bien-phap-xu-ly-de-ngan-chan-thuc-pham-chuc-nang-gia-a458563.html