Thuê nhà ở xã hội 198.000 đồng/m²/tháng
Vấn đề nhà ở xã hội tuy không mới, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa tìm ra giải pháp thực sự hiệu quả. Trong bối cảnh giá đất, chung cư và nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM liên tục tăng cao, áp lực về chỗ ở đối với các đối tượng như công nhân, công chức và người có thu nhập thấp ngày càng trở nên nặng nề.
Bên cạnh việc tăng cường nguồn cung nhà ở xã hội, giải pháp cho thuê nhà ở xã hội cũng đang được thúc đẩy. Tuy nhiên, việc xác định mức giá thuê sao cho hợp lý là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ đông đảo nhân dân, người lao động.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã tiến hành lấy ý kiến về dự thảo khung giá cho thuê nhà ở xã hội. Theo dự thảo, mức giá cho thuê thấp nhất được đề xuất là 48.000 đồng/m²/tháng, trong khi mức cao nhất có thể lên tới 198.000 đồng/m²/tháng. Nghị định 100 cũng quy định rõ ràng về diện tích sử dụng của mỗi căn hộ nhà ở xã hội, với mức tối đa là 70m² và tối thiểu là 25m².
Điều này đồng nghĩa với việc một căn hộ có diện tích trung bình 55m² tại các tòa nhà cao từ 31 tầng trở lên sẽ có mức giá thuê dao động từ 5,4 triệu đến 10,9 triệu đồng/tháng.
Đối với những căn hộ có diện tích lớn 70m², mức giá thuê có thể lên đến 14 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm các tiện ích và dịch vụ đi kèm). Nhiều người bày tỏ giá thuê như vậy là quá cao, không còn mang tính hỗ trợ cho lao động có thu nhập thấp.
Anh Nguyễn Văn Tú (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đã sinh sống và làm việc tại Thủ đô được 12 năm. Anh chia sẻ, với mức lương 12 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, anh gần như không còn dư dả để dành cho chi phí nhà ở. Do đó, anh vẫn phải thuê một căn phòng trọ nhỏ, không thể nâng cấp lên căn hộ tốt hơn. Dù anh đã làm việc chăm chỉ và cố gắng tiết kiệm, nhưng giá thuê nhà ở xã hội ngày càng cao, vượt ngoài khả năng chi trả.
Chị Nguyễn Thanh Xuân (27 tuổi, giáo viên tiểu học tại Hà Nội) cũng bày tỏ sự bất lực trước giá thuê nhà ở xã hội. Với thu nhập của vợ chồng chị, thuê một căn nhà xã hội đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình 3 người, diện tích tối thiểu 50 - 60 m², là điều không thể. Chị Xuân bộc bạch, mua nhà đã quá xa vời, bây giờ ngay cả việc thuê nhà với khung giá như thế này cũng là điều bất khả thi.
Theo quy định, để đủ điều kiện mua hoặc thuê nhà ở xã hội, người lao động cần có mức lương dưới 15 triệu đồng/tháng. Nhưng thực tế cho thấy, mức thu nhập này nằm trong khoảng trung bình (10 - 15 triệu đồng/tháng) hoặc thấp (dưới 10 triệu đồng/tháng), nên với những khoản chi tiêu hàng ngày, việc tiếp cận nhà ở xã hội vẫn là một thử thách lớn.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động trong năm 2023 là 7,1 triệu đồng/tháng, với lao động thành thị là 8,7 triệu đồng/tháng và lao động nông thôn là 6,2 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, nhóm 20% dân số giàu nhất có thu nhập trung bình 10,9 triệu đồng/tháng, và ở thành thị con số này là 13,2 triệu đồng/tháng.
Nếu xét theo điều kiện thu nhập để mua hoặc thuê nhà ở xã hội, một người lao động độc thân có lương 15 triệu đồng/tháng sẽ thuộc diện được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, điều này lại đặt họ vào nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất cả nước, dẫn đến mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế, làm cho việc mua hoặc thuê nhà ở xã hội trở nên khó khăn và xa vời.
Cần mức giá phù hợp
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mức giá cho thuê nhà ở xã hội mà TP. Hà Nội đang áp dụng có sự chênh lệch quá lớn. Ông đề xuất nên thu hẹp khoảng cách, đưa giá thuê các tòa nhà từ 31 tầng trở lên vào khoảng từ 99.000 - 150.000 đồng/m²/tháng, để mức thuê cao nhất chỉ dao động trong khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Ông Võ cũng nhấn mạnh, giá thuê một căn hộ xã hội khoảng 10 triệu đồng/tháng là vượt quá khả năng chi trả của phần lớn các gia đình có thu nhập thấp. Do đó, để tạo điều kiện hài hòa hơn, những gia đình thu nhập không cao, 3 - 4 thành viên, có thể chọn thuê các căn hộ nhỏ hơn, khoảng 40m², mức giá khoảng 5 triệu đồng/tháng, sẽ phù hợp hơn với tình hình tài chính của họ.
Theo các chuyên gia, giá thuê nhà ở xã hội không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người có thu nhập thấp, mà còn tác động lớn đến thị trường bất động sản nói chung. Việc công bố khung giá mới có thể thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng của người dân. Tuy nhiên, có những ý kiến lo ngại rằng mức giá được đề xuất hiện tại là chưa hợp lý.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, mức giá cho thuê nhà ở xã hội hiện nay thậm chí còn cao hơn nhiều so với các căn hộ thương mại trên thị trường. Một căn hộ thương mại rộng 60m² tại Thanh Xuân có giá thuê khoảng 11 triệu đồng/tháng, trong khi một căn chung cư mini 2 phòng ngủ chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nếu theo bảng giá đề xuất, nhà ở xã hội còn đắt hơn nhà thương mại, dù thường nằm ở vị trí xa trung tâm.
Ông Toản chia sẻ, đề xuất này mang tính chất thương mại nhiều hơn là an sinh xã hội. Mức giá thuê nhà ở xã hội chỉ nên vào khoảng 5 triệu đồng/tháng mới phù hợp với người có thu nhập thấp. Với một gia đình 4 người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, nếu phải chi 10 triệu đồng/tháng cho tiền thuê nhà (tương đương 50% thu nhập), họ sẽ không đủ khả năng sinh sống tại Hà Nội với chi phí sinh hoạt và giáo dục cao như hiện nay.
Trong khi đó, ông Giang Anh Tuấn - Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh cũng nhận định, mức giá thuê nhà ở xã hội cao nhất lên tới 14 triệu đồng/tháng, thậm chí còn vượt qua giá thuê của các căn hộ thương mại giá rẻ. Hiện nay, một số căn hộ diện tích khoảng 40m², được trang bị đầy đủ nội thất, chỉ có giá thuê từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Mức giá phù hợp với người thu nhập thấp vì chỉ chiếm khoảng 1/4 thu nhập hàng tháng của họ.
Ông Tuấn đánh giá, nếu thu nhập hàng tháng của một gia đình là 20 triệu đồng, nhưng chi phí thuê nhà vượt quá 10 triệu, chắc chắn họ sẽ không lựa chọn thuê nhà ở xã hội. Thay vào đó, họ sẽ ưu tiên các căn hộ chung cư mini ở trung tâm, với chi phí thấp hơn, tiện lợi hơn. Nếu đề xuất này được thông qua, e rằng nhiều căn nhà ở xã hội sẽ rơi vào tình trạng không có người thuê, gây lãng phí nguồn lực và không giải quyết được vấn đề an sinh xã hội.
Duy Vũ
Link nội dung: https://itoday.vn/ha-noi-gia-thue-nha-o-xa-hoi-vuot-xa-kha-nang-chi-tra-cua-nguoi-thu-nhap-thap-a458174.html