Quảng Ninh đã đa dạng hóa mô hình hoạt động, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy quy trình chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng… Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số của tỉnh, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững, đáp ứng nhu cầu thời đại công nghệ 4.0.
Tỉnh đã thực hiện các bước tiến vững chắc để mở “cánh cửa” tiến đến phát triển TMĐT bền vững. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND (ngày 2/7/2020) về phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021-2025; Văn bản số 5517/UBND-XD6 (ngày 24/10/2022) về việc triển khai mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển TMĐT, xuyên suốt hằng năm, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Điển hình, Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức nhiều hội nghị, chương trình tập huấn TMĐT xuyên biên giới, với sự tham gia của các chủ thể sàn TMĐT uy tín, cung cấp các giải pháp, thúc đẩy môi trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, như: Đại diện các sàn TMĐT trong nước giới thiệu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phân phối sản phẩm trên sàn; đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán trong TMĐT (VP Bank, Visa) giới thiệu giải pháp hỗ trợ tài chính số, thanh toán số và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt; Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương tổ chức các hoạt động giới thiệu Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh (http://www.ocopquangninh.com.vn) và hướng dẫn cách thức tham gia phân phối, mua sắm trên Sàn... Thông qua các hoạt động đã giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm để đưa lên sàn TMĐT tiêu thụ.
Hiện trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn TMĐT như: Voso, Postmart, Tiki,… Riêng sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đã giới thiệu 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh. Nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Quy Hoa (Hải Hà), nước mắm Cái Rồng, hải sản Cô Tô… Tất cả sản phẩm đưa lên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện Sàn đã ký kết với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như: Giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Vietel, VNPT... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn, có tiếng như: Lazada, Shopee, Fado, Tiki. Đồng thời liên kết với Viettel tích hợp tính năng thanh toán điện tử qua Viettel Pay nhằm hỗ trợ tối đa sự thuận lợi thanh toán của người tiêu dùng.
Trong hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan, các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức tập huấn phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ các cơ quan quản lý và một số cơ sở SXKD thực phẩm về công tác giám sát ATTP trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; truy xuất nguồn gốc. Đến nay đã cấp 236 tài khoản quản lý, 181 tài khoản vận hành, cấp mã QR Code cho 1.276 sản phẩm.
Đặc biệt, để các sản phẩm đáp ứng được chất lượng trước khi được đưa lên các sàn TMĐT, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng KHCN trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Việc đăng ký và sử dụng mã số, mã vạch cho các cơ sở tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP được triển khai mạnh mẽ với 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh được dán tem điện tử thông minh, nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường, quan trọng nhất là đáp ứng được các yêu cầu khi đưa sản phẩm lên tiêu thụ tại các sàn TMĐT. Điển hình là: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và XNK Quy Hoa (Hải Hà); HTX Nông - Lâm - Ngư Thái An (Móng Cái); Công ty TNHH MTV Newstar…
Các hoạt động: Phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng; thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT; thiết lập website bán hàng; livestream bán sản phẩm… trong phát triển TMĐT cũng được tỉnh quan tâm, thực hiện đồng bộ. Đến nay toàn tỉnh có 3.137 trạm thu phát sóng di động 4G và 5G, tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,96%, tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 83%; có 167 website đăng ký thông báo bán hàng với Bộ Công Thương, 1 website đã được xác nhận đăng ký hoạt động sàn TMĐT (Raovatquangninh.com)…
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết: Không chỉ tiên phong trong chương trình OCOP, Quảng Ninh còn là một trong những địa phương đi đầu trong giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các sàn TMĐT với nhiều hoạt động cụ thể, hiệu quả. Thời gian tới, Cục tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các tỉnh, thành trong nước nói chung, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, phát triển bán lẻ trực tuyến trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay. Tin tưởng rằng, với những cách làm đổi mới, sáng tạo, chủ động, TMĐT sẽ là một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến tại Quảng Ninh thời gian tới.
Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 đạt 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; doanh số giao dịch TMĐT tăng bình quân 15%/năm; 90% các giao dịch mua hàng trên website và ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của khách hàng bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Minh Đức
Link nội dung: https://itoday.vn/da-dang-hoa-mo-hinh-hoat-dong-thuc-day-thuong-mai-dien-tu-40-a456740.html