Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT và TKCN) thành phố Hà Nội về công tác PCTT và TKCN năm 2024 nói chung và công tác ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lớn nói riêng, UBND huyện Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; kịp thời ứng phó với tình trạng mưa lũ, cũng như hạn chế tối đa các thiệt hại về người và của cải.
Cụ thể, huyện đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyên, công tác chuẩn bị theo phương châm "bốn tại chổ". Bên cạnh đó, với tinh thần chủ động, huyện Thạch Thất đã kịp thời đầu tư kinh phí nâng câp các công trình đê điều, thủy lợi, từ đó, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Đồng thời, huyện này cũng tập trung chỉ đạo, xứ lý dứt điểm các vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi nhằm đảm bảo công tác thoát nước, thoát lũ.
Trước thời điểm bão số 2 đổ bộ, UBND huyện Thạch Thất, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai được phê duyệt, thường xuyên giao ban, kiểm tra cơ sở, chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Trong khi đó, tại huyện Chương Mỹ, với tinh thần phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, công tác ứng phó với cơn bão số 2, mựa lớn và các thiên tai, sự cố khác trên địa bàn huyện đạt hiệu quả. Hệ thống đê điều, hồ đập, công trình thuỷ lợi ổn định, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.
Ngoài đảm bảo nguồn nhu yếu phẩm đầy đủ tới các hộ dân, Công an huyện Chương Mỹ và công an các xã trên địa bàn vẫn đảm bảo công tác an ninh trật tự, bảo vệ tài sản cho người dân, tránh việc trộm cắp, nhất là khu vực người dân đang sơ tán.
Để phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, Công an huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó, kịp thời cứu nạn, cứu hộ.
Đại diện Công an TP Hà Nội cho hay, dự báo mưa lũ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới, do vậy, Công an huyện Chương Mỹ tiếp tục phối hợp với các lực lượng kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp; kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn và sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Tổ chức lực lượng thực hiện tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều, thủy lợi.
Trong khi đó, tính đến 7h ngày 31/7, 6 xã trên địa bàn huyện Quốc Oai bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập úng là: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên; Ngọc Liệp, với 606 hộ, 2.781 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó 160 hộ bị ngập sâu (xã Cấn Hữu có 140 hộ, xã Đông Yên có 19 hộ). Các hộ khác bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt do bị ngập sân cổng đi lại gồm: xã Phú Cát 64 hộ; xã Liệp Tuyết 143 hộ; xã Tuyết Nghĩa 164 hộ; xã Ngọc Liệp 76 hộ.
Các khu vực bị ngập này vẫn được duy trì và cấp điện đầy đủ an toàn và đều được cấp nước sạch từ Công ty TNHH Đồng Tiến thành (nước sạch Sông Đà).
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lũ đã làm ngập 789 ha diện tích cây trồng nông nghiệp, trị giá khoảng 23,67 tỷ đồng. Trong đó có 609 ha lúa; 52 ha cây màu, 128 ha cây ăn quả; ngập 240 ha thủy sản (ước tính thiệt hại 780 tấn thủy sản, trị giá khoảng 19,5 tỷ đồng); bị chết và cuốn trôi 11.120 gia cầm, thủy cầm (trị giá khoảng 5,04 tỷ đồng). Tổng giá trị thiệt hại ước tính 48,17 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại các tuyến đê bị sạt lở hay bị tràn, UBND huyện đã huy động lực lượng tại chỗ và dân quân cơ động đắp chống tràn; phối hợp Hạt quản lý đê số 13 và các xã, thị trấn có vị trí gặp sự cố tiếp tục theo dõi, đặt biển cảnh báo sự cố tại từng vị trí sạt trượt; tuyên truyền cảnh báo cho nhân dân trong khu vực, hạn chế xe có tải trọng lớn qua lại. Nếu diễn biễn các điểm sạt trượt này có nguy cơ mất an toàn đê, UBND huyện sẽ tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ".
Liên quan đến việc khắc phục lũ lụt tại Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đánh giá mức lũ tại các khu vực này là rất lớn, nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm; đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của người dân. Mặc dù báo cáo của hầu hết các địa phương là đã chủ động được các phương án, kịch bản nhưng các đơn vị cần có sự phối hợp liên tục, ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Bà Hoài lưu ý, hiện tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khó dự báo, không loại trừ các tình huống xấu khi nước dâng cao trong những ngày tới. Vì vậy, các địa phương không được chủ quan, lơ là; khi gặp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo khẩn với thành phố để có chỉ đạo chi viện và có phương án kịp thời.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu thành lập ngay “Ban Chỉ đạo xử lý, khắc phục lũ lụt tại 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất". Ban Chỉ đạo này sẽ do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Trưởng Ban, cùng với các thành viên là Thủ trưởng một số sở, ban, ngành liên quan.
Minh Hà
Link nội dung: https://itoday.vn/thach-that-quoc-oai-chuong-my-trien-khai-giai-phap-dong-bo-tang-cuong-hieu-qua-ung-pho-voi-mua-lu-a455900.html