Chuyên gia nói gì về tên gọi 'Viện Hàn lâm Y học'?

Theo GS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc, danh từ "viện hàn lâm" được xem là cao quý, được hiểu và dùng trong thực tế để chỉ một tổ chức nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh.

 

 Trang web có tên "Viện Hàn lâm Y học" đăng tải các nội dung tuyển dụng. Ảnh chụp màn hình

 

Dù vậy, trong bài giới thiệu mà Viện Hàn lâm Y học đăng tải ở mục tuyển dụng trên trang web, tổ hợp “viện hàn lâm” lại được dùng như một danh từ chung, như: “Viện Hàn lâm Y học một trong 3 Viện hàn lâm tại Việt Nam: Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Y học” hay “Viện hàn lâm duy nhất có chức năng nghiên cứu về Y học”.

GS. Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Giám đốc Viện Nghiên cứu Tâm Anh và là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc - cho rằng ở Việt Nam, mọi người hiểu danh từ “viện hàn lâm” theo định nghĩa của Pháp. Đó là một thiết chế học thuật mà thành viên là những nhà khoa học hoặc/và văn nghệ sĩ rất nổi tiếng. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) cũng định nghĩa viện hàn lâm theo cách hiểu trên. 

“Mệnh đề 'hàn lâm' không phải là một thuật ngữ hay một danh từ riêng. Tôi cũng nghĩ đã là “hàn lâm viện” thì phẩm chất học thuật phải rất cao”, GS. Tuấn nói.

Cũng theo GS. Tuấn, trong thực tế, “hàn lâm” là từ Hán Việt, có nghĩa đen là “rừng lông chim” (rừng bút - PV), và nghĩa bóng là văn đàn, học thuật. Ở Trung Hoa, thời nhà Đường, hàn lâm viện là nơi tụ tập của các học giả. Ngày nay, “hàn lâm viện” được dùng để dịch từ chữ “Academy” trong tiếng Anh, vốn có gốc từ chữ “Ἀκαδημία” trong tiếng Hy Lạp, dù ở Hy Lạp cổ đại, Academy chỉ đơn giản là nơi dạy khoa học và nghệ thuật.

Còn theo ThS. Nguyễn Xuân Thanh - Viện Phó Viện hợp tác phát triển, việc sử dụng cụm từ "viện hàn lâm" ở trường hợp này dễ gây nhầm lẫn vì nó thường liên tưởng đến các tổ chức cấp cao trực thuộc Chính phủ, có chức năng và quyền hạn đặc biệt trong nghiên cứu và phát triển khoa học. Để tránh nhầm lẫn, có lẽ nên có một cách đặt tên rõ ràng hơn. Ví dụ như có tên viết tắt riêng để phân biệt hoặc có các hậu tố khác thể hiện đặc điểm của tổ chức.

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, viện hàn lâm khoa học là cơ quan khoa học cao nhất của một nước. Trong thành phần của viện hàn lâm khoa học có nhiều viện, ban và tiểu ban. Viện hàn lâm khoa học có nhiều tạp chí theo nhiều chuyên ngành khác nhau, có nhà xuất bản.

Như vậy, có thể thấy, việc giải thích “Hàn lâm Y học” là danh từ riêng như đơn vị này chia sẻ là có sự khiên cưỡng và dễ gây nhầm lẫn.

Khác biệt giữa các viện hàn lâm trên thế giới

Hiện nay, tại Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam là hai tổ chức thuộc Chính phủ.  

ThS. Nguyễn Xuân Thanh - Viện Phó Viện hợp tác phát triển - cho rằng viện hàn lâm tại Việt Nam, đặc biệt là những viện trực thuộc Chính phủ như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thường có vai trò lớn trong việc định hướng và phát triển khoa học, công nghệ và nghiên cứu xã hội. 

“Các viện hàn lâm này nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước và có ảnh hưởng lớn đến chính sách khoa học và công nghệ quốc gia. Trong khi đó, ở nhiều nước khác, viện hàn lâm có thể có nhiều hình thức khác nhau, từ tổ chức phi Chính phủ đến các hiệp hội chuyên môn với quyền tự chủ cao và không trực thuộc Chính phủ”, ThS. Nguyễn Xuân Thanh nhận định.

Theo GS. Nguyễn Văn Tuấn, viện hàn lâm ở Việt Nam - như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ - là một tổ chức theo mô hình của Liên Xô cũ và Trung Quốc. Đó là một trung tâm vừa nghiên cứu khoa học vừa tổ chức đào tạo. Chẳng hạn, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc là một mạng lưới của hàng trăm viện nghiên cứu và hai đại học.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức viện hàn lâm cũng có sự khác biệt. Ví dụ: trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các thành viên không được bầu mà chỉ là những chuyên gia như ở các trung tâm nghiên cứu khác, còn đối với các viện hàn lâm của Liên Xô cũ và Trung Quốc thì một số thành viên được bầu rất nghiêm ngặt và dựa vào những tiêu chuẩn học thuật cao.

Ở các nước phương Tây, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, Pháp, viện hàn lâm khoa học có chức năng hơi khác với các viện hàn lâm ở Nga và Trung Quốc. 

Viện hàn lâm khoa học ở các nước phương Tây (như National Academy of Sciences của Hoa Kỳ, Académie des Sciences của Pháp, Royal Society của Anh, Australian Academy of Science, Australian Academy of Health and Medical Sciences của Úc) thực chất là những hiệp hội khoa học và đào tạo nhưng đóng vai trò quan trọng trong xiển dương khoa học, tư vấn cho Chính phủ, và đặt ra chuẩn mực khoa học cho quốc gia.

Theo đó, thành viên của các viện hàn lâm khoa học này được bầu qua một quy trình rất nghiêm ngặt và dựa trên những tiêu chuẩn rất cao. Do vậy, viện hàn lâm khoa học là tiếng nói tập thể của những nhà khoa học ưu tú nhất của quốc gia. Đối với các viện hàn lâm này, được bầu làm viện sĩ, hay thành viên viện hàn lâm (fellowship), là một danh dự tối cao.

Theo GS. Tuấn, ở phương Tây có một sự cởi mở trong việc dùng danh xưng “Academy”, cách dùng này đơn thuần là tên gọi chứ không phản ánh chất lượng.

Đơn cử Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ nổi tiếng là vì những thành viên trong đó đều là những nhà khoa học xuất sắc nhất. Nhưng ở phương Tây cũng có khá nhiều doanh nghiệp dạy nhảy đầm, dạy thể thao, dạy lái xe,... lấy danh xưng “Academy”. Song song đó, “Academy” cũng được nhiều trường trung học và cao đẳng dùng để đặt tên. Thậm chí, hiệp hội y khoa cũng có khi dùng chữ “Academy” (như American Academy of Pediatrics là một hiệp hội nhi khoa). 

“Tôi nghĩ không nên quá bận tâm với những tên gọi. Chúng ta có câu 'Chiếc áo không làm nên thầy tu' và theo đó, danh xưng và bằng cấp không nói lên năng lực hay tư cách của một cá nhân. Tương tự, tên gọi của một tổ chức không nói lên cái uy thế (prestige) của tổ chức đó. Cái uy thế của một tổ chức được hình thành từ những thành tựu của tổ chức và danh tiếng của những thành viên trong tổ chức”, GS. Tuấn nói.

Tuy vậy, GS. Nguyễn Văn Tuấn cũng lưu ý việc đặt tên cần phù hợp với văn hoá địa phương. “Ở Việt Nam, danh từ 'viện hàn lâm' được xem là cao quý, được hiểu và dùng để chỉ một tổ chức nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh. Nếu tôi lập một trung tâm nghiên cứu mới ở Việt Nam, tôi sẽ tránh dùng danh xưng 'viện hàn lâm' mà sẽ chọn một cái tên khiêm tốn hơn”, GS. Tuấn chia sẻ.

Cần có quy định rõ ràng về việc đặt tên
ThS. Nguyễn Xuân Thanh - Viện Phó Viện hợp tác phát triển - cho rằng việc sử dụng cụm từ “viện hàn lâm” trong tên gọi của các tổ chức khoa học công nghệ tư nhân có thể gây nhầm lẫn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự minh bạch trong cộng đồng khoa học mà còn có thể tạo ra sự hiểu lầm đối với công chúng. Do đó, có lẽ cần có quy định cụ thể hoặc hướng dẫn rõ ràng về việc đặt tên cho các tổ chức khoa học công nghệ tư nhân để tránh tình trạng này. Việc này sẽ giúp bảo đảm tính chính xác và uy tín của các tổ chức nghiên cứu và khoa học trong mắt công chúng và cộng đồng khoa học.

Sau bài phản ánh "Viện Hàn lâm Y học: Cái tên gây tranh cãi lại lấn sân sang đào tạo nghề" của Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, hiện tại, Viện Hàn lâm Y học đã thay đổi mục “đào tạo” thành “khóa học” trên thanh điều hướng. Tuy nhiên, các khóa học này cũng được giới thiệu là khóa đào tạo chuyên sâu và được cấp “chứng chỉ danh giá bậc nhất từ Viện Hàn lâm Y học”.

 Võ Liên

Link nội dung: https://itoday.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-ten-goi-vien-han-lam-y-hoc-a454271.html