Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, trong các ngày 29 và 30/3/2024, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ năm 2024 và các sự kiện bên lề tại Hà Nội.
Đây là sự kiện thường niên được Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2023 và định hướng cho hoạt động sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.
Sự kiện cũng đã trở thành diễn đàn quan trọng của Ngành Khoa học và Công nghệ nhằm đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Hội nghị năm nay được tổ chức tại Hà Nội càng có ý nghĩa hơn khi Hà Nội là thành phố đứng đầu trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023. Đây cũng là địa phương có tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đứng đầu cả nước.
Theo Bộ trưởng, năm 2023, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 3 Nghị định và 2 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022.
Các hoạt động hỗ trợ xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương được đẩy mạnh; số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xử lý tăng 13,2% so với năm 2022…
Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam được xếp hạng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (tăng 2 bậc so với năm 2022) và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cũng cần thẳng thắn đánh giá, bối cảnh hiện tại đang đặt ra nhiều yêu cầu hơn với hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Nhiều hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đang đứng trước thách thức to lớn của việc phải đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước như vấn đề tốc độ và chất lượng xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp; công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp; hiệu quả của hoạt động quản lý tài sản trí tuệ sau khi được bảo hộ, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của địa phương…
Trong khi đó, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hà Nội cho hay, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, một trong những nhiệm vụ và cũng là giải pháp quan trọng là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Tập trung phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong thời gian gần đây, số lượng đăng ký sở hữu công nghiệp tăng lên đáng kể đã góp phần nâng cao giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng bằng và đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu kết quả xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong tình hình hiện nay, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách.
Để làm được điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về sở hữu công nghiệp đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ở cả Trung ương và địa phương.
Có thể thấy, nội dung được đề cập tại hội nghị lần này khá toàn diện, bao gồm: Đánh giá kết quả triển khai hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024; (Thảo luận và đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết các vướng mắc trong hoạt động sở hữu công nghiệp và sáng kiến ở Trung ương và địa phương; Giới thiệu một số quy định mới trong pháp luật sở hữu công nghiệp của Việt Nam và tình hình hoạt động sở hữu công nghiệp trên thế giới; Báo cáo và thảo luận về các giải pháp hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại Việt Nam, hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;…
Bên cạnh các nội dung truyền thống trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, v.v., các đại biểu còn được nghe báo cáo và trao đổi, thảo luận về những xu hướng lớn của hoạt động sở hữu công nghiệp trên thế giới; về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu của Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Viết Sơn - Hoàng Kim
Link nội dung: https://itoday.vn/hoi-nghi-so-huu-tri-tue-nam-2024-day-manh-quan-ly-va-phat-trien-tai-san-tri-tue-a452652.html