Tuy nhiên, dự án mở rộng tỉnh lộ 334, trục giao thông chính xuyên suốt KKT Vân Đồn lại đang triển khai rất chậm, khiến không chỉ các dự án đầu tư trong khu vực bị ảnh hưởng mà cuộc sống nhân dân liền kề tuyến cũng đang rất khó khăn.
Anh Vũ Thanh, thôn 1, xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), cho biết: Tuyến tỉnh lộ 334 đoạn qua xã Hạ Long được người dân chúng tôi gọi là “con đường đau khổ”, nắng thì bụi mù, phủ khắp các nóc nhà; mưa thì lầy lội, bê bết bùn đất. Cả một tuyến đường dài gần 3km lỗ chỗ ổ gà, xe chạy như mắc cửi cả ngày và đêm gây ra những tiếng va chạm rất khó chịu, cuộc sống gia đình chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Chưa kể dọc tuyến là trường học, chợ vốn đông người, đường xuống cấp, đông xe qua lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất ATGT. Rất mong cơ quan chức năng sớm đẩy nhanh hoàn thiện thi công tuyến đường, trả lại sự yên bình cho nhân dân.
Dự án mở rộng tỉnh lộ 334 có điểm đầu đấu nối với tuyến đường trục chính khu đô thị Cái Rồng, điểm cuối nối với nút giao đường Sân bay Vân Đồn - Khu công viên phức hợp. Công trình có tổng chiều dài 9,5km, nền đường rộng từ 24-44m, thiết kế 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn đường gom) dải phân cách giữa, hệ thống cây xanh cảnh quan, điện chiếu sáng và hạ tầng ATGT. Trên tuyến bố trí 2 cầu bằng bê tông cốt thép, trong đó cầu số 1 dài 90m, cầu số 2 dài 333,8m, có tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, kế hoạch thi công trong 24 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023.
Tuy nhiên, đến nay đã 30 tháng kể từ thời điểm khởi công, tổng khối lượng thực hiện dự án mới chỉ đạt khoảng 50% khối lượng. Trong đó, cơ bản hoàn thành 2 cầu trên tuyến, hạng mục đường đã thực hiện thảm nhựa gần 2,7km đoạn từ Khu đô thị Sonasea Vân Đồn Harbor City đến chùa Cái Bầu. Các vị trí đầu tuyến chưa thể thi công được do còn vướng mắc mặt bằng, đoạn cuối tuyến dừng thi công từ tháng 4/2023 do thiếu nguồn đất đắp. Vì thế, tiến độ dự án đang rất chậm.
Được biết, để triển khai mở rộng tỉnh lộ 334, huyện Vân Đồn phải thực hiện thu hồi khoảng 42,13ha gồm: Đất đường giao thông 17,36ha, đất của các hộ dân và tổ chức phải thực hiện GPMB là 24,77ha, liên quan trực tiếp đến 451 hộ dân và tổ chức. Đến nay, UBND huyện Vân Đồn mới thực hiện phê duyệt phương án bồi thường GPMB cho 242/451 hộ, số hộ còn lại hiện vẫn đang được huyện Vân Đồn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lập phương án, xác định nguồn gốc đất và thực hiện kiểm đếm theo quy trình. Tuy nhiên, quy trình này lại đang khó khăn khi Bộ đơn giá đền bù về cây cối, hoa màu đã tạm dừng áp dụng; chính quyền và người dân liên quan chưa có sự thống nhất và tìm được tiếng nói chung; công tác phá dỡ công trình gặp khó khăn khi một số hộ dân phải cắt xén một phần nhà, yêu cầu phải có máy móc, vật tư, đơn vị chuyên nghiệp mà đến nay vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, một số hạng mục công trình trụ sở của các tổ chức, cơ quan, hạng mục ngành điện nằm trong giới tuyến thi công vẫn chưa được di chuyển đã khiến dự án không thể thi công liền mạch, tổng thể.
Một khó khăn nữa khiến dự án chậm là do mở rộng nền đường từ 2 lên 6 làn xe, công tác đào đắp lớn, để phục vụ thi công, dự án được bố trí khai thác đất đắp tại mỏ Khe Ngái, xã Đoàn Kết, tuy nhiên từ tháng 4/2023, mỏ đất dừng khai thác, khiến hạng mục đào đắp nền đường không thể thực hiện được. Mãi đến trung tuần tháng 11 vừa qua, dự án mới được bố trí khai thác đất tại thôn Đại Làng, xã Vạn Yên, công tác thi công nền đường mới tiếp tục được tái khởi động. Điều này dẫn đến việc tổ chức thi công, thực hiện các phần việc trên công trường bị gián đoạn. Sau khi được bố trí nguồn đất đắp, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung phương tiện, tăng tốc thi công tại các vị trí đảm bảo điều kiện về mặt bằng.
Đối với KKT Vân Đồn, tỉnh lộ 334 được coi là trục xương sống quan trọng liên kết chuỗi các đô thị, công trình, dự án, các sản phẩm du lịch phát triển… Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, dự án triển khai rất chậm, không chỉ đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân trong khu vực mà còn trực tiếp khiến các kế hoạch phát triển bị kìm hãm và hạn chế. Vì thế, thời điểm này rất cần sự quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn kịp thời của các cấp chính quyền và đơn vị liên quan, để Vân Đồn tiếp tục nắm bắt được những thời cơ, cơ hội mới, phát triển trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, bền vững, một trong những trung tâm phát triển của tỉnh.
PV
Link nội dung: https://itoday.vn/quang-ninh-du-an-mo-rong-tinh-lo-234-nhung-kho-khan-can-thao-go-a449718.html