Vi phạm bản quyền sách nói trên không gian mạng: Cần ngăn chặn từ gốc rễ

Sách nói (Audio book) là xu thế tất yếu của ngành xuất bản khi nhu cầu chuyển đổi số đã “chạm” đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên xu thế này lại dẫn đến một vấn nạn, đó là vi phạm bản quyền, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng văn hóa đọc.

 Cùng với sự ra đời của các sản phẩm điện tử thông minh, xu hướng đọc sách của độc giả dịch chuyển từ các ấn bản in sang sách điện tử, sách nói. Trước đây sách nói chủ yếu dành cho độc giả khiếm thị, hiện nay khi công nghệ số lên ngôi, nhiều người tìm đến sách nói như một cách thay thế cho việc đọc sách truyền thống. Với loại hình sách này, độc giả có thể nghe sách để tiếp cận thông tin, học tập và giải trí trong thời gian di chuyển trên đường, làm việc nhà…

Hiện nay số lượng người dùng ngày càng tăng là minh chứng cho thấy sách nói là hướng đi đúng đắn, cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu độc giả, vừa góp phần phát triển kinh tế số trong lĩnh vực xuất bản. Tuy nhiên để thu hút người dùng các ứng dụng sách nói phải đầu tư chu đáo, chuyên nghiệp cho mỗi cuốn sách, từ khâu chọn sách, đến tìm giọng đọc, thu âm, biên tập, đặc biệt là vấn đề bản quyền.

Song song với đó việc phát triển văn hóa đọc cộng đồng đi cùng sách nói cũng đòi hỏi nhiều thử thách. Hiện tại phát triển sách nói còn nhiều rào cản, đội ngũ sản xuất chưa đủ mạnh mẽ, hành lang pháp lý, đặc biệt là vấn đề là bảo vệ bản quyền, thủ tục, vấn đề đầu tư còn hạn chế.

sach noi

 

Phương thức tạo ra sách nói khá đơn giản bởi với nội dung có sẵn, một người với thiết bị ghi âm đơn giản như điện thoại, microphone là đã có thể làm ra sách nói. Chưa kể, với những tiến bộ của công nghệ, ngày nay còn có những phần mềm có thể biến chữ viết trên trang sách thành các giọng nói đã được chỉnh âm. Nghĩa là chỉ cần quét phần mềm này, các trang sách viết sẽ được đọc thành âm thanh mà không mất thời gian ngồi đọc.

Sự dễ dàng trong thao tác, cộng thêm lợi nhuận thu được không nhỏ là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng vi phạm bản quyền sách nói nhằm thu lợi bất chính ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tại hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục bản quyền tác giả tổ chức, các chuyên gia cũng đã bàn nhiều về vấn đề này.

Theo ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc công ty TNHH Công nghệ WEWE, từ tháng 7/2020 đến nay, Voiz FM cho tháo gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm. Có thể thấy tình trạng xâm phạm bản quyền sách nói đang tăng chóng mặt và khó kiểm soát, trong đó có 3 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở sách nói.

Đầu tiên là hình thức "USB sách nói/Link chia sẻ", đây là hành vi sao chép các file sách nói vào USB hoặc đăng tải lên các công cụ lưu trữ như Google Drive, sau đó bày bán trên mạng hoặc chia sẻ miễn phí với mục đích vì cộng đồng.

Hành vi phạm bản quyền phổ biến nhất hiện nay là "kênh YouTube sách nói". Nó hoạt động công khai, chuyên nghiệp và có tổ chức. Với sự giúp sức của công nghệ, không khó để một cá nhân, tập thể thu âm các sách nói trái phép, sau đó đăng tải lên YouTube. Với tính chất miễn phí, những kênh này dễ dàng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem mỗi video, thu về nguồn lợi bất chính từ tiền quảng cáo của YouTube.

Cuối cùng là hình thức vi phạm "Website" - những kẻ vi phạm sẽ tạo các website để đăng tải các file sách nói trái phép. Tuy hình thức này không phổ biến như YouTube, nhưng sẽ rất khó xử lý, do các công ty xuất bản chưa có biện pháp gỡ bỏ những trường hợp này.

Vì vậy, để giảm thiểu và ngăn ngừa tình trạng xâm phạm bản quyền sách nói cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các nền tảng lớn để ngăn chặn quảng cáo trên những nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook... đối với những nội dung vi phạm, tác động trực tiếp tới gốc rễ vấn đề thay vì chỉ báo cáo gỡ bỏ nhỏ lẻ.

Bên cạnh sự can thiệp của cơ quan chức năng cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm của người đọc về quyền tác giả. Cần có những chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng sách nói lậu. Đồng thời khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các nguồn sách nói chính thống và chất lượng.

Ngoài ra, Cục Xuất bản, In và Phát hành cần khuyến khích các đơn vị xuất bản tích cực tham gia vào Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, đẩy mạnh hơn việc chuyển thể các tác phẩm sang định dạng sách nói chính thống và chất lượng để phục vụ nhu cầu của bạn đọc.

Minh Hà

Link nội dung: https://itoday.vn/vi-pham-ban-quyen-sach-noi-tren-khong-gian-mang-can-ngan-chan-tu-goc-re-a448910.html