Vai trò của doanh nghiệp Khoa học Công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Khoa học - Công nghệ (KH&CN) là vấn đề then chốt không thể thiếu trong tiến trình để Việt Nam nắm bắt và thụ hưởng những thành quả hữu ích từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy doanh nghiệp cần coi đổi mới công nghệ, sáng tạo công nghệ là sự sống còn trong quá trình phát triển.

 Khoa học - Công nghệ (KH&CN) là vấn đề then chốt không thể thiếu trong tiến trình để Việt Nam nắm bắt và thụ hưởng những thành quả hữu ích từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam.

1

Ảnh minh họa  

Một số nét về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Thế giới chúng ta có sự phát triển như hiện nay là kết quả của sự biến đổi không ngừng, liên tục với một xu thế chung là càng ngày càng tiến bộ và phát triển. Những gì có được hôm nay thì mới ngày hôm qua có thể là câu chuyện hoang tưởng. Những gì hôm nay được xem như viễn tưởng thì ngày mai cũng có thể là thực tế trong cuộc sống.

Cách mạng công nghiệp là khái niệm về cuộc cách mạng liên quan chủ yếu đến sản xuất; đi cùng với nó là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH), văn hóa, kĩ thuật và công nghệ.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) bắt đầu vào đầu Thế kỉ 21, trên nền tảng của CMCN lần thứ 3, được hình thành trên sự cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ nano (CNNN), sinh học, vật liệu mới..., đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.

Tốc độ phát triển của những đột phá trong CMCN 4.0 là không có tiền lệ trong lịch sử.  Để đo tốc độ lan truyền của công nghệ, một số chuyên gia sử dụng tiêu chí thời gian mà sản phẩm công nghệ đạt ngưỡng 50 triệu người sử dụng. Theo đó, nếu như trước đây để đạt được con số 50 triệu người sử dụng, điện thoại cần 75 năm, radio cần 38 năm, tivi cần 13 năm, thì gần đây Facebook chỉ cần 3,5 năm. Những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực với tốc độ rất nhanh và tương tác thúc đẩy nhau đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả, thông minh hơn.

Bản chất công nghệ của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, công nghệ cao để tối ưu hóa qui trình, phương thức sản xuất; là sự kết hợp của hệ thống thực và ảo. Trước đây thường diễn ra theo xu hướng có phát minh mới làm lu mờ phát minh cũ, thì ngày nay công nghệ nền tảng của cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo cơ sở cho các công nghệ và các ngành nghề khác cũng phát triển.

Sự phân loại công nghệ nền tảng, hay công nghệ ứng dụng này chỉ là tương đối, bởi vì các lĩnh vực KH&CN tích hợp với nhau để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

3

 

Phương thức sản xuất, chế tạo trong cuộc cách mạng lần thứ 4

Cuộc CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi sâu sắc và nhanh chóng cách thức sản xuất, chế tạo. Tương lai trong các “nhà máy thông minh”, các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây.

Phương thức sản xuất, chế tạo cũ là chế tác từng bộ phận riêng lẻ, rồi khâu, hàn hay lắp ghép lại với nhau còn gọi là chế tạo cộng.

Phương thức sản xuất, chế tạo mới là phương thức sản xuất, chế tạo mà theo đó sản phẩm có thể được thiết kế trên máy tính và “in ra” từ một máy in 3D, chiếc máy tạo ra vật thể nguyên khối bằng cách phun từng lớp, từng lớp vật liệu nối tiếp nhau còn được gọi là chế tạo trừ.

Theo phương thức sản xuất và chế tạo mới thì thời đại sản xuất một sản phẩm với số lượng lớn sẽ dần kết thúc. Đang bắt đầu một giai đoạn mới mà khả năng tiếp nhận nhu cầu của khách hàng và truyền tới công xưởng sản xuất ngay trong thời gian thực. Các dây chuyền sản xuất sẽ tự động kết hợp với nhau để sản xuất đơn chiếc mới mức giá thấp nhất. Đây gọi là thời đại sản xuất hàng loạt sản phẩm đơn chiếc theo nhu cầu của khách hàng.

Trong tương lai hệ thống kết nối Internet sẽ thu thập nhu cầu của khách hàng, dựa trên cở sở đó nhà sản xuất sẽ cập nhật phần mềm để lên đời sản phẩm như những chiếc điện thoại thông minh hiện nay. Không những sản phẩm, mà thiết bị sử dụng trong sản xuất cũng chỉ cần cập nhật phần mềm để thêm tính năng mới mà không cần phải thay mới chi tiết hay bộ phận.

Mô hình nhà máy mới, nhà máy thông minh đang được hình thành. Đó là những nhà máy sẽ không còn những người thợ người đầy dầu máy…, đứng cạnh những chiếc máy sản xuất, gia công… thay vào đó, các công xưởng không còn một bóng người. Có lẽ đó là điều khó hình dung ra, nhưng rồi có thể xảy ra!

Sẽ không chỉ làm thay đổi cách người ta tạo ra sản phẩm, mà còn là địa điểm sản xuất. Nếu các nhà máy từng được di dời đến các quốc gia có nguồn lao động giá rẻ thì với cuộc cách mạng này, chi phí nhân công ngày càng trở nên ít quan trọng hơn.

Người tiêu dùng sẽ không khó khăn để thích nghi với các sản phẩm chất lượng cao; nhưng đối với các chính phủ thì sự thích nghi này không phải dễ dàng. Bản năng của họ là bảo vệ những nền công nghiệp và các công ty hiện có, chứ không phải nâng cấp để phá hủy những gì đang có. Vì thế, họ sẽ trợ cấp các doanh nghiệp cũ, hạn chế những ông chủ muốn đưa dây chuyền sản xuất ra nước ngoài, họ đang cố níu giữ niềm tin rằng sản xuất thì tốt hơn dịch vụ. Nhưng trên thực tế lại không như mong muốn của các chính phủ, ranh giới giữa sản xuất và dịch vụ đang dần mờ đi.

Một số tác động của CMCN 4.0

Dự báo rằng CMCN 4.0 sẽ tác động sâu sắc, to lớn và nhiều mặt không chỉ về kinh tế, xã hội và môi trường mà còn cả lên cách sống và phương thức sống của người dân, thậm chí là tác động lên cả an ninh, chính trị… của nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới, có thể làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

 Sự khác biệt giữa doanh nghiệp khoa học công nghệ và các doanh nghiệp khác

Sự khác biệt giữa các doanh nghiệp khoa học công nghệ và các doanh nghiệp khác nằm ở nhiều khía cạnh, bao gồm mục tiêu, mô hình kinh doanh, ngành công nghiệp hoạt động và cách họ sử dụng công nghệ. Có thể nhận thấy qua một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, về mục tiêu chính.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ thường tập trung vào việc tạo ra hoặc áp dụng kiến thức và công nghệ tiên tiến để phát triển sản phẩm và dịch vụ đặc biệt. Mục tiêu của họ là sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới để cải thiện cuộc sống và công việc.

Các doanh nghiệp khác có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có mục tiêu chính là cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thứ hai, về mô hình kinh doanh.

Mô hình kinh doanh của Doanh nghiệp khoa học công nghệ thường phụ thuộc nhiều vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra các sản phẩm hoặc giải pháp công nghệ tiên tiến. Họ có thể đầu tư nhiều vào R&D trước khi sản phẩm hoặc dịch vụ của họ trở nên lợi nhuận.

Mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp khác thường tập trung vào sản xuất, tiêu thụ và lợi nhuận ngay từ đầu.

Thứ ba, về lĩnh vực hoạt động.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ thường hoạt động trong các ngành công nghiệp khoa học và công nghệ, chẳng hạn như công nghệ thông tin, y học, sinh học, điện tử, và các lĩnh vực công nghệ cao khác.

Các doanh nghiệp khác có thể hoạt động trong các ngành công nghiệp đa dạng, bao gồm thực phẩm, dịch vụ, sản xuất, xây dựng, và nhiều ngành khác.

Thứ tư, về sử dụng công nghệ.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ thường dựa vào sự phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Internet of Things, big data, và công nghệ khác để tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới hoặc cải thiện quy trình sản xuất.

Các doanh nghiệp truyền thống có thể sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất hoặc quản lý kinh doanh, nhưng công nghệ không phải là trái tim hoạt động của họ.

Thứ năm, về quản lý và nhân lực.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ thường cần có đội ngũ nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu rộng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Quản lý kiến thức và tài năng là một phần quan trọng trong việc quản lý doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Các doanh nghiệp truyền thống có thể cần nhân lực với nhiều kỹ năng khác nhau, bao gồm sản xuất, tiếp thị, và quản lý.

Sự khác biệt giữa các doanh nghiệp khoa học công nghệ và các doanh nghiệp khác phản ánh sự đa dạng của nền kinh tế và quy mô hoạt động kinh doanh. Cả hai loại doanh nghiệp đều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội, mỗi loại với mục tiêu và cách tiếp cận riêng.

2

 

Cuộc CMCN 4.0 thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ chuyển sang nền kinh tế tri thức, sang xã hội “thông minh”

Các thành tựu mới của KH&CN được ứng dụng, hội tụ để tối ưu hóa quá trình sản xuất, quản lý, tiêu dùng như hạ tầng thông minh, sản phẩm thông minh, quản trị thông minh…. Sản xuất đang dịch chuyển dần từ các nước/vùng có nhiều lao động kĩ năng phổ thông và tài nguyên sang những nước/vùng có nhiều lao động chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ.

Sự giao thoa và hội tụ các lĩnh vực công nghệ cao đã xóa mờ dần ranh giới giữa các khâu/công đoạn, quy trình sản xuất, đặc biệt là các khâu thiết kế, gia công, lắp ráp và chế tạo ra sản phẩm

Trong phương thức sản xuất truyền thống, nhà máy được chuyển đến những nơi có chi phí lao động thấp để lắp ráp các linh kiện, chi tiết, còn trong CMCN 4.0, chi phí nhân công các khâu/công đoạn gia công, lắp ráp ngày càng ít quan trọng, dần dần được thay thế hoàn toàn bằng người máy - người máy thông minh hơn và chi phí thấp hơn.

Cuộc CMCN 4.0 cũng tác động tích cực đến lạm phát toàn cầu

Nhờ những đột phá về công nghệ trong lĩnh vực năng lượng vật liệu, IoT, người máy, ứng dụng công nghệ in 3D v.v… đã giúp giảm mạnh áp lực chi phí dẫn đến lạm phát toàn cầu nhờ chuyển đổi sang quy trình sản xuất, tiêu thụ hiệu quả, thông minh và sử dụng nguồn lực tiết kiệm hơn.

Những tác động của CMCN 4.0 đến doanh nghiệp khoa học công nghệ

Dưới tác động của CMCN 4.0 sẽ có những ngành tăng trưởng mạnh và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng thì sự tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp; với sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ và sự thu hẹp, kể cả đào thải của các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ. Cuộc CMCN 4.0 đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Một số tập đoàn lớn vang bóng một thời và thống lĩnh thị trường trong một giai đoạn dài đang bị các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghệ gần đây vượt mặt. Theo đó, sức mạnh của các doanh nghiệp sẽ thay đổi. Ví dụ:

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), các công ty như Google, Facebook v.v… đang tăng trưởng nhanh, trong khi các công ty tiếng tăm khác như IBM, Microsort, Cisco, Intel hay các tập đoàn điện tử lớn của Nhật Bản đang phải trải qua một quá trình tái cơ cấu đầy khó khăn. Sự sụp đổ của các “ông lớn” như Nokia, Kodak cho thấy nguy cơ mà các công ty phải đối mặt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thời đại của cuộc CMCN 4.0.

Trong lĩnh vực chế tạo, các công ty sản xuất ô tô truyền thống đang chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt từ các công ty mới nổi lên nhờ cách tiếp cận mới như Tesla đang đẩy mạnh sản xuất ô tô hiện đại và tự lái, cũng như Google và Uber. (Uber là công ty dịch vụ vận tải và taxi nhưng không có, không quản lí trực tiếp một chiếc ô tô nào, chỉ dựa vào CNTT, vì thế công ty này có hàng chục triệu ô tô khắp trên thế giới).

Sự đổi mới không ngừng và liên tục từ số hóa đơn giản (cách mạng công nghiệp lần thứ sang đổi mới dựa trên sự kết hợp, sự tích hợp của các công nghệ cao (CMCN 4.0) đang buộc các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khoa học công nghệ nói riêng, phải xem xét lại cách thức, sự lãnh đạo kinh doanh và điều hành cấp cao của mình.

Vai trò của doanh nghiệp khoa học công nghệ

Phải nắm rõ bản chất của cuộc CMCN 4.0, thực trạng đất nước để có giải pháp đúng đắn.

Phải nhận thức rõ cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của sự hội tụ từ nhiều công nghệ và lĩnh vực công nghệ cao. Vì thế, muốn đạt được tầm cao đó của công nghệ là vô cùng khó khăn và có nhiều việc phải làm.

Chúng ta cần biết rõ là chúng ta còn đang lạc hậu. Trước mắt để áp dụng được thành quả của CMCN 4.0, cần phải nỗ lực hết mình phát triển KH&CN cũng như giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chất lượng cao, là người học hỏi, không phải là người tạo ra CMCN 4.0, do đó không phải là người đi đầu, người dẫn dắt dắt thế giới trong cuộc CMCN lần này. Nhận thức rõ như vậy mới đủ khiêm tốn để phát triển.

Nắm bắt thời cơ và thuận lợi; hạn chế, loại bỏ khó khăn, thách thức; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao và hiện đại

Cần sớm thống nhất nhận thức đúng về thời cơ và thách thức đối với dân tộc khi thế giới đang chuyển mạnh sang thời đại CMCN 4.0. Bên cạnh những khó khăn, thách thức lớn thì CMCN 4.0 cũng là cơ hội và thời cơ thực hiện đường lối, chủ trương “sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, để xây dựng chiến lược công nghiệp mới gắn với các đặc trưng của nó. Từ đó sẽ hình thành các chính sách KH&CN cũng như GD&ĐT phù hợp với xu hướng Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, CNNN, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo, người máy kết nối…

Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển

Nhiều nhà phân tích chiến lược nhận định rằng, những nước và vùng lãnh thổ đã thành công vì có nền văn hóa mạnh nên khả năng hấp thụ cao và có ý chí xây dựng một nền công nghiệp tiên tiến, đặc biệt là có chính sách tốt về KH&CN, về GD&ĐT, về tôn trọng nhân tài; đã biết cách học, hỏi, bắt chước các nước có trình độ phát triển hơn mình. Có tầm nhìn rộng và xa; có quan niệm ứng dụng và tiếp nhận công nghệ không phải là hấp thụ bằng cách bắt chước, mua thiết bị mà phải biết chọn lọc những cái hay để ghép với những kĩ thuật trong nước, kể cả những kĩ thuật truyền thống nhằm xây dựng một công nghệ thích hợp với những điều kiện và văn hóa quốc gia.

Một nền công nghiệp được xây dựng từ những cơ sở của chính quốc gia đó thì mới thực sự có khả năng phát triển mạnh, như trường hợp nước Nhật. Theo gương của Nhật, công nghiệp của Hàn Quốc đã được xây dựng khởi đầu từ công nghệ nhập khẩu. Trong ngành điện tử, Hàn Quốc đã mua hàng trăm, hàng nghìn bằng sáng chế. Nhưng yếu tố quan trọng trong thành công của Hàn Quốc là sự nghiêm chỉnh trong việc chuẩn bị nhân sự và phương tiện để hấp thụ công nghệ. Đấy là những bài học cần nghiên cứu kĩ để áp dụng vào Việt Nam.

Tập trung đầu tư hiệu quả cho khoa học và công nghệ

Các nước càng phát triển, có nhiều phát minh sáng chế càng thiếu tiền cho hoạt động KH&CN, vì không có đầu tư thì không thể có sự phát triển, đó là nguyên lý, đầu tư phải gắn liền với cách thức sử dụng và quản lý nguồn ngân sách.

Lợi ích của đầu tư cho hoạt động KH&CN là rất rõ nhưng thực tế việc đầu tư cho hoạt động KH&CN ở nước ta thời gian qua có rất nhiều khó khăn, chủ yếu mới chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước (NSNN).

Đầu tư của Nhà nước cho KH&CN dù ít ỏi, nhưng có năm tiêu không hết. Thật là nghịch lý. Tất cả là từ cơ chế và sự tôn trọng thực sự với KH&CN, nhất là cơ chế tài chính đối với chi tiêu từ NSNN còn trói buộc hoạt động KH&CN.

Để giải quyết vấn đề đầu tư cho KH&CN từ doanh nghiệp, đầu tiên là nâng cao nhận thức cho người quản lý, cho người làm chính sách nhất là cho doanh nghiệp, để họ hiểu rằng đầu tư cho KH&CN chính là đầu tư để phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt; thứ hai là Nhà nước phải có quy định buộc các doanh nghiệp đầu tư phát triển KH&CN của chính doanh nghiệp mình mà trước tiên là từ các doanh nghiệp nhà Nước; thứ ba là khi doanh nghiệp đã dành một phần lợi nhuận đóng góp vào quỹ phát triển KH&CN thì Nhà nướccần có các quy định để sử dụng quỹ được thuận lợi và có hiệu quả nhất.

Thực hiện tốt chính sách chuyển giao công nghệ

Thứ nhất, phải lựa chọn công nghệ “phù hợp” để chuyển giao, ứng dụng

Phải nhận thức rằng công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 là những công nghệ ở đỉnh cao của nhân loại, là những công nghệ mà mới ngày hôm qua đang là chuyện viễn tưởng. Đó là công nghệ in 3D, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, người máy có kết nối, trí tuệ nhân tạo có cảm xúc… Chúng ta phải biết lựa chọn công nghệ mà ứng dụng và chuyển giao, phù hợp từ nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trong nước như dân số, tài nguyên, môi trường văn hoá - xã hội và các hệ thống pháp lý - chính trị.

Trong quá trình này phải tách bạch rõ giữa ứng dụng công nghệ để phát triển đất nước và mua thiết bị mới, hiện đại về để dùng. Mua thiết bị mới về dùng thì dễ, còn ứng dụng công nghệ mới thì rất khó. Không được lẫn lộn vấn đề này.

Cần lựa chọn tính chất “phù hợp” của công nghệ chuyển giao vào sản xuất từ các kết quả nghiên cứu và triển khai trong nước. Chúng ta cần có chính sách lựa chọn đúng các mặt hàng để CGCN, lựa chọn đúng công nghệ để triển khai. Muốn phát triển thị trường KH&CN thì sản phẩm phải có tính cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, tức là phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và cạnh tranh được với hàng nhập ngoại. Công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 là những công nghệ rất cao, việc lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện đất nước ta đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không sẽ gây lãng phí tiền bạc và công sức mà kết quả đưa lại là bao.

Thứ hai, ngăn ngừa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam

Trong quá trình đầu tư tại nước ta, một số đối tác nước ngoài vì mục đích lợi ích không chính đáng đã tìm cách lợi dụng pháp luật, bộ máy hành chính còn thiếu minh bạch của chúng ta để tìm cách đưa thiết bị với trình độ công nghệ lạc hậu đôi khi tới 2-3 thế hệ vào nước ta. Hậu quả là đẩy lùi sự phát triển của đất nước, đưa nước ta cách xa hơn khoảng cách phát triển với các nước công nghiệp, với các nước phát triển.

Thứ ba, đổi mới và sáng tạo công nghệ, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp

Cần tiến hành rà soát, phân loại chính xác hiện trạng công nghệ của doanh nghiệp, xem xét nhu cầu đổi mới công nghệ của ngành, lĩnh vực sản xuất hàng hóa có lợi thế cạnh tranh quốc gia và của chính bản thân doanh nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ có trình độ cao, hiện đại vào sản xuất kinh doanh và việc đầu tư cho đổi mới công nghệ và tiến tới sáng tạo công nghệ sẽ quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp ứng dụng KH&CN rất yếu và chưa gắn được với sản xuất kinh doanh.

Nếu vẫn chưa coi đổi mới công nghệ, sáng tạo công nghệ là sự sống còn của doanh nghiệp thì việc cạnh tranh về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn khi kinh tế Việt Nam đang bước vào cuộc chơi lớn, mới và biến đổi vô cùng nhanh chóng trên nền tảng một nền trí tuệ cao của nhân loại.

Ths. Trần Anh Tuấn

Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông,

Bộ Thông tin và Truyền thông

Link nội dung: https://itoday.vn/vai-tro-cua-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-a448774.html