Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động Khoa học công nghệ

Coi KHCN là động lực phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển, ứng dụng KHCN theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó phát triển kinh tế tri thức, tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.

 Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh và Sở KH&CN, đã giúp cho các doanh nghiệp KHCN trên địa bàn Quảng Ninh tăng cường đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất. Từ đó, tăng năng suất chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng KHCN đã góp phần thúc đẩy KHCN trên địa bàn tỉnh phát triển. Hằng năm, tỉnh bố trí ít nhất 4% ngân sách chi thường xuyên để ưu tiên cho phát triển KHCN, ưu tiên vào những lĩnh vực trọng tâm: Dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN được đẩy mạnh triển khai, nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án KHCN được ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực...

2

Sản phẩm gạo sạch, HTX đặc sản đồng rươi Đông Triều (TX Đông Triều). 

Năm 2020, được sự quan tâm hỗ trợ của Sở KH&CN và sự chủ động đầu tư lớn với tổng vốn hàng chục tỷ đồng, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả) đã cải tạo, xây mới hệ thống nhà máy chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab - kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn… nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất. Đến nay, các sản phẩm tiêu biểu của công ty như: Trà giảo cổ lam, trà bổ gan, trà giải độc gan, trà diệp hạ châu, viên tiểu đường, viên chè vằng... trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu được xếp hạng 4 sao của tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã. Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc, cho biết: Sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh trong lĩnh vực KHCN có giá trị to lớn, giúp doanh nghiệp sớm thực hiện những kế hoạch phát triển sản phẩm trong thời gian tới.

Có thể thấy, việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương không chỉ “khu trú” trong phạm vi từng địa phương mà đã có sự kết nối hướng tới mở rộng thị trường. Điển hình là để hiện thực hóa các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 565 sản phẩm chủ lực của địa phương và xác định phương án có 250 sản phẩm truy xuất nguồn gốc. Chỉ khi đảm bảo được truy xuất nguồn gốc mới giúp doanh nghiệp quản lý được sản phẩm theo chuỗi giá trị, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập

Với vai trò cơ quan chuyên môn, tham mưu cho tỉnh về công tác hỗ trợ doanh nghiệp KHCN, Sở KH&CN đã xây dựng dự thảo các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025; chương trình phát triển thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đồng thời, Sở cũng tổ chức hội đồng tư vấn KHCN cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo lãnh đạo Sở KH&CN, thực hiện Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025", Sở duy trì, tổ chức các chương trình “Cà phê công nghệ”, hội thảo, diễn đàn để tuyên truyền, phổ biến những cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực KHCN; lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng hành cùng doanh nghiệp trong ứng dụng, chuyển giao các công nghệ mới vào phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

1

Sản phẩm nước mắm sá sùng của Công ty TNHH MTV Newstar (TP Hạ Long). 

Trong đó, ưu tiên giới thiệu những công nghệ tiên tiến, mô hình thực hành tốt về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong các lĩnh vực, mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng bền vững; giảm thiểu, thu hồi, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải. Từ đầu năm đến nay, Sở KH&CN đã triển khai hỗ trợ 16 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN với tổng kinh phí 600 triệu đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao những công nghệ mới, tiên tiến vào hoạt động sản xuất, tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Cao Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Newstar, cho biết: Việc hỗ trợ này giúp chúng tôi tiếp cận các chính sách về KHCN để áp dụng vào quy trình vận hành, sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cũng như tìm kiếm cơ hội đầu ra bền vững hơn. Đây cũng là những tiền đề quan trọng để đơn vị tiếp tục tập trung hơn cho đầu tư KHCN, xây dựng mục tiêu trở thành một doanh nghiệp KHCN trong tương lai.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 24 doanh nghiệp KHCN, Quảng Ninh hiện xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KHCN (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa). Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh, thành cả nước có cơ chế hỗ trợ cao đối với doanh nghiệp KHCN. Theo lãnh đạo Sở KH&CN để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, Sở đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường tuyên truyền, giới thiệu cho doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp giúp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực KHCN, nhất là các thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách liên quan.

T.T

Link nội dung: https://itoday.vn/quang-ninh-ho-tro-doanh-nghiep-trong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-a447797.html