Bảo tồn và phát triển làng gốm cổ Tây Nguyên

Huyện Lắk (Đắk Lắk) hiện là nơi duy nhất còn lưu giữ và bảo tồn nghề làm gốm truyền thống không sử dụng bàn xoay của người M’Nông Rlăm tại Tây Nguyên.

Huyện Lắk (Đắk Lắk) là địa bàn sinh sống của cư dân lúa nước với hồ Lắk rộng lớn. Tuy nhiên, những sản phẩm, sản vật địa phương để phục vụ cho ngành du lịch dường như chưa được chú trọng. Điển hình như sản phẩm gốm của người dân tộc tại chỗ - M’nông Rlăm. Mỗi món đồ gốm được tạo ra từ đôi bàn tay của nghệ nhân như một “tác phẩm” chứ không đơn thuần là một "sản phẩm" được tạo ra.

Kỹ thuật chế tác gốm độc đáo

Người Mnông Rlăm ở huyện Lắk có nghề làm gốm rất lâu đời. Đồng bào khai thác đất sét ở các chân núi gần làng để làm nguyên liệu sản xuất đồ gốm. Giống như một số dân tộc trong vùng, họ không dùng đến bàn xoay mà đi xung quanh chỗ đặt cố định để nặn đất tạo dáng hay chuốt gốm. Khi nặn và chuốt xong, đồng bào xếp các sản phẩm chồng lên nhau và lấy cỏ, rơm nung gốm lộ thiên chứ không nung trong lò.

Sản phẩm làm ra chủ yếu là các loại nồi tròn có miệng nhỏ để nấu cháo, nấu nước, nấu thuốc… hoặc nồi miệng rộng để nấu cơm và đồ ăn, ngoài ra còn có chõ hấp xôi. Sau này khi nhu cầu nhiều hơn, người ta còn làm ra thêm nồi đồng (mô phỏng theo hình dáng nồi đồng của người Việt), chảo rang cà phê, hủ, ché…

Trước đây, đồ gốm được làm ra ngoài việc sử dụng trong sinh hoạt còn được trao đổi trong làng và vùng lân cận. Hiện nay, người thợ còn làm thêm các sản phẩm phục vụ khách du lịch như con trâu, con bò, con voi, hồ lô, lọ hoa…

1

 Thợ làm gốm không dùng đến bàn xoay mà đi xung quanh chỗ đặt cố định để nặn đất tạo dáng hay chuốt gốm. 

Quy trình chế tác gốm của đồng bào vùng Tây Nguyên rất thô sơ, gần như nguyên thủy. Sản phẩm làm ra để phục vụ đời sống mang tính tự cung tự cấp, nhỏ lẻ của nghề chứ không lập thành làng nghề như các làng nghề của người Việt ở vùng đồng bằng. Công đoạn tạo hình dáng, hoa văn cho gốm hoàn toàn bằng tay. Người thợ đi vòng tròn xung quanh vật để tạo hình. Sử dụng đôi tay khéo léo, nhuần nhuyễn và các dụng cụ thô sơ như thanh tre vót mỏng, vòng tre, mảnh vải ướt để tạo hình cho sản phẩm.

Sau bước tạo hình, chờ cho sản phẩm ráo bớt nước và khô dần, người thợ bắt đầu vẽ hoa văn bằng những que tre, que củi hoặc lông con nhím. Hoa văn cũng rất đơn giản, có thể là những vòng tròn xung quanh miệng nồi, ché, chõ, có thể là cỏ cây hoa lá cách điệu, có thể là các đường hình học đơn giản… Chờ cho sản phẩm khô thêm, người thợ chuyển sang bước đánh bóng. Việc đánh bóng mất khá nhiều thời gian và phải tỉ mẩn. Người thợ dùng hòn sỏi thật bóng chà xát liên tục lên bề mặt của sản phẩm để tạo độ bóng và láng. Một sản phẩm có thể chà nhiều lần, thậm chí 5 – 7 lần. Sau bước này, sản phẩm được phơi khô hoàn toàn trước khi nung. Người thợ chọn ngày nắng đẹp để nung gốm, đa phần là nung gốm lộ thiên, không có lò.

Nguy cơ mai một, thất truyền nghề gốm cổ   

Trước đây, hầu như nhà nào cũng sử dụng gốm cổ truyền chế tác thủ công nên người làm gốm được coi trọng. Ngày nay, gốm cổ truyền mất hẳn chỗ đứng nên không thể cạnh tranh với hàng nhựa rẻ tiền, hàng kim loại bền chắc hay các dòng gốm hiện đại khác. Người thợ làm gốm dần bỏ nghề và dẫn đến mai một.

Hiện nay, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn vài người làm gốm, chủ yếu bán cho một số người già trong buôn có thói quen dùng gốm cổ truyền hoặc bán cho vài khách du lịch ngang qua làng.

2

 Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tổ chức cho các nghệ nhân M’nông làm đồ gốm theo mẫu có sẵn để làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Ông Y Khương H’Long - Phó Chủ tịch xã Yang Tao - cho hay: “Bà con ở buôn Yók Đuôn làm nghề gốm cổ không giàu nhưng cũng đủ nuôi sống họ. Hiện tại, toàn xã Yang Tao còn khoảng gần chục hộ còn duy trì nghề làm gốm, do nhiều yếu tố nên việc làm gốm dần bị mai một theo thời gian.

Để nghề gốm truyền thống của đồng bào M’Nông tiếp tục được duy trì, đồng thời giúp các nghệ nhân có nguồn vốn ổn định cần các cơ quan ban ngành, tổ chức vào cuộc để tiếp sức cho các thế hệ trẻ đến gần hơn với nghề truyền thống của cha ông. Bên cạnh đó góp phần xây dựng một làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho đồng bào nơi đây”.

Trước đây, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương mở một số lớp dạy nghề làm gốm cho thanh thiếu niên trong buôn, đồng thời giới thiệu một số sản phẩm gốm của đồng bào làm ra cho các đơn vị du lịch. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức cho các nghệ nhân M’nông làm đồ gốm theo mẫu có sẵn để làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Dù đi qua nhiều thăng trầm lịch sử, chuyển biến của xã hội nhưng nghề làm gốm cổ truyền thống của đồng bào M’Nông vẫn giữ được những đặc trưng riêng và là niềm tự hào của đồng bào nơi đây.

Phi Vũ

Link nội dung: https://itoday.vn/bao-ton-va-phat-trien-lang-gom-co-tay-nguyen-a447361.html