Nan giải vé máy bay, tàu xe 'ế ẩm' dịp Tết 2022

Admin

Giá vé máy bay thấp kỷ lục

Gần một tháng nữa là tới cao điểm Tết Nguyên đán 2021 nhưng giá vé khứ hồi trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội, khởi hành ngày 29/1 (27 tháng Chạp năm Tân Sửu) và trở lại vào ngày 6/2 (6 tháng Giêng năm Nhâm Dần) đang ở mức rẻ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, Vietjet Air đang là hãng bay có giá vé Tết 2022 rẻ nhất trên hành trình này. Hãng hiện đưa ra mức giá thấp nhất 3,1 triệu đồng đã bao gồm thuế phí, thấp hơn 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2021.

tm-img-alt
Sân bay không hành khách.

Những lựa chọn khác của hành khách trên hành trình này bao gồm Bamboo Airways (3,3 triệu đồng), Vietnam Airlines Group (4,7-4,9 triệu đồng) và Vietravel Airlines (5,1 triệu đồng). Trung bình giá vé mà các hãng đưa ra đang thấp hơn cùng kỳ từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng.

So với thời điểm đặt vé vào đầu tháng 12/2021, giá vé hiện đã rẻ đi khoảng 600.000 đồng. Điều này báo hiệu xu hướng càng gần Tết vé lại càng rẻ của năm 2021 đang xuất hiện trở lại trong năm 2022.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, giá vé máy bay trong cao điểm Tết Nguyên đán mỗi năm trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội luôn dao động trong khoảng 6-7 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí tùy vào thời điểm đặt vé.

Cá biệt có những chuyến bay giờ đẹp giá vé phổ thông lên kịch trần theo quy định, tiệm cận giá vé hạng thương gia.

Giá vé giảm mạnh là do các hãng bay liên tục tăng chuyến trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội trong cao điểm Tết và giảm giá mạnh để cạnh tranh nguồn khách. Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành miền Bắc diễn biến phức tạp, hành khách cũng dè dặt hơn khi quyết đặt vé, dẫn tới nguồn cầu sụt giảm.

Chuyến bay tăng nhưng lượng khách không tăng tương ứng khiến lựa chọn bay của hành khách rất đa dạng, đầy đủ các giờ bay và ghế trống còn rất nhiều. Các chuyến bay trong giờ bay "đẹp" có giá vé chỉ nhỉnh hơn các chuyến bay sáng sớm và đêm muộn khoảng 300.000-500.000 đồng mỗi vé khứ hồi.

Sau hàng không, đường bộ cũng “ế”

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, những năm trước đây, chỉ sau 10 ngày đầu mở bán, các đơn vị đã bán 20 nghìn vé, dễ dàng thu về hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, mặc dù áp dụng nhiều ưu đãi chưa từng có, song lượng khách mua vẫn rất cầm chừng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, trong tổng số hơn 200 nghìn vé tàu Tết, thì có khoảng 70 nghìn vé tàu không bán được, nhiều hành khách sau khi mua vé còn trả lại do bị hạn chế đi lại. Năm nay, dù Tết Nguyên đán đã cận kề, song các nhà ga vẫn vắng vẻ, hành khách mua vé qua các kênh khác cũng không nhiều.

Bà Phạm Thị Anh Đào, Trưởng trạm vận tải đường sắt Hà Nội (CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội) than thở, sau một tháng mở bán chính thức, đến giữa tháng 12/2021, lượng vé bán ra trên hệ thống từ ga Hà Nội đi các ga mới được hơn 300 vé, bằng 10%-15% so với lượng vé bán ra cùng kỳ các năm trước.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà cho hay, đến ngày 5/1, lượng vé tàu Tết (đi các ngày từ 22/1 đến 13/2/2022) trên toàn hệ thống mới bán được khoảng 16 nghìn vé, nhiều đôi tàu Tết không dám lập do lượng khách mua quá ít

Ở Hà Nội, thông thường những năm trước đây, mỗi dịp gần Tết là các bến xe đều công bố kế hoạch tăng cường lượng xe để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, hai năm nay, CTCP Bến xe Hà Nội không có bất cứ thông báo nào và hiện tại, điều mong đợi nhất là các nhà xe quay trở lại hoạt động nhộn nhịp như xưa.

Tại TP Hồ Chí Minh, sau nhiều ngày mở cửa hoạt động trở lại, không khí ảm đạm vẫn bao trùm Bến xe Miền Đông, cả tiếng đồng hồ chỉ lác đác vài lượt khách tới hỏi mua vé xe Tết, không còn cảnh xếp hàng chen chúc mua vé như ngày xưa. Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông buồn rầu, lượng khách mua trực tiếp trong bến đã ít, khách mua vé online cũng gần như bằng 0.

 

Nhiều người lao động sớm rời các đô thị lớn trước Tết

Trao đổi trên Zing, đại diện một hãng bay lớn cho hay việc lấp đầy các chuyến bay Tết Nguyên đán 2022 đang gặp khó, một phần vì người lao động đã sớm rời các đô thị lớn từ trước cao điểm Tết, một phần vì hành khách lo ngại dịch bệnh và những quy định cách ly.

Vị này hi vọng tỷ lệ lấp đầy sẽ được cải thiện khi các địa phương sẽ có chính sách cách ly thống nhất, nới lỏng với người về quê ăn Tết Nguyên đán 2022.

Theo Phó Tổng Giám đốc CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà cho biết, nguyên nhân vé tàu, vé máy bay ế ngoài tâm lý e ngại dịch bệnh, còn do thời điểm trong năm, khi hết giãn cách ở các tỉnh phía nam, công nhân đã ồ ạt trở về quê và chưa đi làm trở lại.

Mặt khác cũng thiếu hụt số lượng lớn hành khách là sinh viên các trường đại học. Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, bán vé tàu Tết có thể không có lợi nhuận, thậm chí lỗ, nhưng doanh nghiệp vẫn chạy để phục vụ người dân.

SHTT