Nam Định: Triệt phá kho hàng chứa hơn 1 tấn vải may mặc không hóa đơn, chứng từ

Quyền Trung
Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh trên địa bàn. Kết quả, tổ công tác đã phát hiện 1 tấn vải may mặc các loại không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thực hiện Kế hoạch cao điểm số 447/KH-CQLTT ngày 11/11/2022 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định về cao điểm chống luôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Qúy Mão năm 2023, sau thời gian theo dõi, thực hiện các biện pháp quản lý địa bàn kết hợp với tin báo của nhân dân, vào hồi 10 giờ ngày 29/12/2022, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Nam Định đã phối kết hợp với Công an phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định tiến hành kiểm tra tại Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Tuyết Lan, địa chỉ: Phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn vải may mặc các loại; toàn bộ hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn hàng hóa có cụm từ thể hiện xuất xứ hàng hóa “Made in China”. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan – chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa trên.

1

Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi, vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn để đấu tranh có hiệu quả chống các hành vi buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Theo nghị định 43/2017/NĐ-CP về tem hàng hóa ngày 14 tháng 04 năm 2017: “Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu”.

Theo quy định, nhãn phụ và nhãn chính được dán trên hàng hóa phải đảm bảo những tiêu chuẩn sau:

Kích thước tem phụ do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tự quyết định sao cho phù hợp với kích thước hàng hóa.

Màu sắc: màu sắc của chữ, số, hình ảnh,… trên tem phụ phải rõ ràng. Các nội dung bắt buộc phải được ghi bằng màu tương phản với màu nền của nhãn hàng hóa.

Ngôn ngữ: Các nội dung bắt buộc được quy định tại Điều 10, chương II, Nghị định 43/2017/NĐ-CP phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp tên quốc tế, tên khoa học không có từ tương đương trong tiếng Việt; tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài.

Nội dung: Nội dung trên tem phụ là nội dung tiếng Việt được dịch nguyên từ nội dung trên nhãn chính. Trong trường hợp trên tem chính không đủ các nội dung bắt buộc, đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa phải bổ sung các nội dung cần thiết.

Cách dán tem phụ: Tem phụ phải được gắn trên hàng hóa, bao bì sản phẩm ở vị trí dễ quan sát, đầy đủ nội dung mà không cần tháo rời các chi tiết, các thành phần của hàng hóa.