Làm gì để bảo vệ nhãn hiệu Việt khi ra thị trường quốc tế?

Admin
Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, việc xây dựng thành công thương hiệu quốc gia đã khó, việc gìn giữ, phát triển còn khó hơn bởi nhiều sản phẩm Việt Nam đối mặt việc bị đánh cắp thương h

 

Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021
Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021

Theo công bố của Brand Finance (công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới), năm 2021 thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng 33 trong danh sách top 100 thương hiệu mạnh thế giới, với mức tăng giá trị từ 319 tỷ USD năm 2020 lên tới 388 tỷ USD.

Số liệu của Brand Finance cũng cho thấy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2020, doanh thu từ xuất khẩu của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia là trên khoảng 125.000 tỷ đồng.

Rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đang nằm trong top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đứng đầu khu vực châu Á về sản lượng khai thác yến…

Làm gì để bảo vệ nhãn hiệu Việt khi ra thị trường quốc tế?

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, việc xây dựng thành công thương hiệu quốc gia đã khó, việc gìn giữ, phát triển còn khó hơn bởi nhiều sản phẩm Việt Nam đối mặt việc bị đánh cắp thương hiệu.

Thực tế cho thấy không ít các nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam, đã được đăng ký tại Việt Nam, được sử dụng và biết đến rộng rãi, có uy tín ở Việt Nam nhưng lại không thể đăng ký tại nước ngoài vì nhiều lý do trong đó có thể kể đến một lý do cơ bản là doanh nghiệp Việt Nam chậm trễ, chủ quan trong việc hoạch định kế hoạch đăng ký nhãn hiệu cũng như không lường trước được rủi ro về việc nhãn hiệu của mình sẽ bị chiếm mất tại thị trường nước ngoài.

Với quá nhiều bài học thực tiễn đắt giá của các nhãn hiệu Việt Nam do đang bị chiếm mất tại các thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã dần chú trọng và quan tâm hơn đến việc hoạch định chiến lược đăng ký nhãn hiệu của mình ra nước ngoài khi có kế hoạch mở rộng thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, làm thế nào để việc đăng ký nhãn hiệu mang lại hiệu quả cao nhất cho việc kinh doanh mà tiết kiệm chi phí nhất là một bài toán mà không phải doanh nghiệp nào cũng tìm được lời giải phù hợp đối với doanh nghiệp của mình.

Vậy, khi nghĩ đến việc cần phải đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, doanh nghiệp cần phải làm gì và tiến hành những bước thực hiện như thế nào.

Trước tiên, doanh nghiệp cần phải xác định cụ thể danh sách các quốc gia dự định sử dụng nhãn hiệu mang các sản phẩm/dịch vụ mà mình cung cấp trong tương lai gần hoặc xa để lên kế hoạch tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia đó theo thứ tự ưu tiên. Sau khi xác định được các quốc gia sẽ đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ tính đến việc làm thế nào để đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia này.

Trên thực tế, để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét việc chọn các phương án sau: Đăng ký trực tiếp nhãn hiệu của mình với cơ quan sở hữu trí tuệ của từng quốc gia (tương tự như Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam);

Dựa vào đơn gốc đã nộp hoặc văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã cấp tại Việt Nam để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo các hệ thống đăng ký mà Việt Nam là thành viên, bao gồm Hệ thống đăng ký Madrid (sau đây gọi chung là hệ thống Madrid) với khoảng 120 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên.

Mỗi phương án có ưu và nhược điểm riêng, do đó, việc cân nhắc kĩ càng về ưu, nhược điểm của từng phương án để chọn phương án tối ưu và phù hợp với mục đích đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp của mình tại nước ngoài thật sự rất quan trọng với các doanh nghiệp.

Làm gì để bảo vệ nhãn hiệu Việt khi ra thị trường quốc tế?

Doanh nghiệp cần phải lưu ý thêm những vấn đề sau trong quá trình đăng ký và sử dụng nhãn hiệu tại nước ngoài:

Thứ nhất, không phải quốc gia nào cũng áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên giống như Việt Nam (hay còn gọi là “first-to-file” - cá nhân/pháp nhân nào nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước thì có quyền ưu tiên trước).

Hay nói cách khác, có một số quốc gia áp dụng nguyên tắc sử dụng đầu tiên (“first-to-use” - cá nhân/pháp nhân nào sử dụng nhãn hiệu trước thì có quyền ưu tiên trước) nên doanh nghiệp cần phải lưu trữ tất cả các bằng chứng sử dụng nhãn hiệu của mình tại nước ngoài một cách hệ thống và cụ thể từ ngày/tháng/năm và chứng cứ sử dụng (như mẫu bao bì, kết quả doanh thu/doanh số, hóa đơn, chứng từ thanh toán, mẫu quảng cáo có ngày tháng năm, thư từ liên hệ với khách hàng…) để có thể dùng làm bằng chứng sử dụng nhãn hiệu trong thương mại bất kể khi nào cần đến, đặc biệt là khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Thứ hai, thường xuyên tự kiểm tra hoặc thông qua đơn vị tư vấn có chuyên môn về sở hữu trí tuệ kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu tại các quốc gia khác để có biện pháp xử lý kịp thời, trong đó bao gồm cả việc tìm hiều, nắm bắt để tuân thủ đúng các quy định của nước ngoài về yêu cầu phải nộp bằng chứng về việc sử dụng nhãn hiệu định kỳ, nếu không sẽ bị hủy hiệu lực bảo hộ.

Thứ ba, trong các hợp đồng thương mại, các doanh nghiệp cần phải đưa các điều khoản liên quan đến nhãn hiệu/thương hiệu vào trong các điều khoản để tránh việc các công ty liên kết, đối tác kinh doanh, đại lý… lạm dụng đăng ký dẫn đến việc mất thương hiệu của mình tại nước ngoài. Trên thực tế, việc mất nhãn hiệu/thương hiệu theo cách này đã xảy ra khá phổ biến tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Thứ tư, cần phải có những quy định rõ ràng về quyền sở hữu nhãn hiệu, quyền đăng ký/sử dụng nhãn hiệu trong mối quan hệ giữa các công ty mẹ, công ty con hoặc giữa các công ty trong cùng một tập đoàn…

Như vậy doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, qua đó tự bảo vệ tài sản vô hình cũng như hữu hình trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trong đó, việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, nơi nhãn hiệu của doanh nghiệp được sử dụng/dự định sử dụng là một việc rất quan trọng, và là bước cần tiến hành đầu tiên khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng thị trường của mình ra nước ngoài.

Chỉ một bước đi và tính toán không chính xác có thể dẫn đến thiệt hại về kinh tế hoặc gây bất lợi cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.

Theo TH&SP