Hưng Yên: UBND tỉnh chị đạo, không xây dựng nhà văn hóa trên đất đình làng cũ

Admin
UBND xã Tứ Dân tiến hành xây dựng công trình nhà văn hóa xã trên nền đất vốn là đình làng thôn Toàn Thắng, UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo, không xây dựng nhà văn hóa xã tại vị trí này, khẳng định ng

Nguyện vọng chính đáng

Ngày 3-1-2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng đã có văn bản giao UBND huyện Khoái Châu chỉ đạo, giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân xin giao lại đất để xây dựng đình làng thôn Toàn Thắng vốn thờ thành hoàng là Vua Lê Trung Tông Hoàng Đế . Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, huyện và xã đã tiến hành lập dự án xây dựng Nhà văn hóa xã Tứ Dân ngay trên nền đất đình làng.

Ngày19-5-2021, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản số 159/UBND-KT2 gửi tới Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu giải quyết đơn công dân theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND tỉnh kết quả giải quyết trước ngày 15-6-2021.

Trong khi, UBND huyện Khoái Châu chưa có văn bản trả lời công dân thì ngày 21-12-2021, UBND xã Tứ Dân đã cho người và phương tiện vào thi công tại vị trí vốn là đình làng. Ngay lập tức người dân, người dân có đơn gửi tới UBND huyện Khoái Châu, UBND tỉnh Hưng Yên và các cấp liên quan tố cáo các hành vi nói trên. Ngày 26 và 28-1-2022, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu ban hành văn bản số 75/UBND-TTH ngày 26-1-2022 và Thông báo số 79/TB-UBND ngày 28-1-2022 gửi tới công dân với quan điểm không thụ lý đơn công dân. Hai văn bản này có nội dung giống nhau.

Không đồng tình với quan điểm của UBND huyện, công dân có đơn gửi tới UBND tỉnh Hưng Yên.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 18-2-2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Thông báo số 46/TB-UBND: “Về việc giải quyết vụ việc xây dựng Nhà văn hóa xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu”. Nội dung Thông báo thể hiện: “Ngày 14-2-2022, tại cuộc họp giao ban Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh với các sở, ban, ngành, địa phương đã xem xét về việc giải quyết vụ việc xây dựng Nhà văn hóa xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu. Dự họp có lãnh đạo các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các đồng chí Thường trực Huyện ủy Khoái Châu.

Sau khi nghe Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu trình bày Báo cáo số 39/BC-UBND ngày 7-2-2022 về tình hình giải quyết vụ việc xây dựng Nhà văn hóa xã Tứ Dân; ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, ý kiến của các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, ý kiến kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh; UBND tỉnh có ý kiến như sau: Giao UBND huyện Khoái Châu: Chỉ đạo UBND xã Tứ Dân chọn vị trí xây dựng Nhà văn hóa xã Tứ Dân tại vị trí khác trong khuôn viên UBND xã Tứ Dân quản lý. Vị trí dự kiến xây dựng hiện nay sử dụng vào mục đích công cộng.

Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã Tứ Dân vận động nhân dân thôn Toàn Thắng chọn 01 vị trí mới nằm ngoài khuôn viên UBND xã Tứ Dân trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng của nhân dân thôn Toàn Thắng để xây dựng Đình làng thôn Toàn Thắng; Trước khi tổ chức thực hiện xây dựng Nhà văn hóa mới xã Tứ Dân, yêu cầu UBND huyện Khoái Châu báo cáo UBND tỉnh cụ thể…”.

Cũng tại cuộc họp, UBND tỉnh khẳng định: “Đề nghị của Nhân dân thôn Toàn Thắng, xã Tứ Dân trong việc xây dựng đình làng là nguyện vọng chính đáng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong thôn…”.

Dấu tích của di sản đình Toàn Thắng giờ chỉ còn cây đại tuổi đời trên trăm năm Ảnh: K.H
Dấu tích của di sản đình Toàn Thắng giờ chỉ còn cây đại tuổi đời trên trăm năm. Ảnh: K.H

 

Cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Theo luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, Điều 10 của Luật Di sản văn hóa đề cập tới việc: “Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội… và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Trên thực tế, những ngày qua khi công trình cũ được UBND xã cho phá bỏ để chuẩn bị xây dựng nhà văn hóa mới đã cho thấy sự thật, nhiều cột, đòn ngang… chạm khắc hoa văn, chữ… có niên đại hàng trăm năm bị vứt bỏ ngổn ngang dưới đất lẫn với gạch vụn, vôi vữa nhưng không được lãnh đạo xã chỉ đạo cất giữ, bảo quản.

Nghị quyết số 13-NQ/TU về Chương trình Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đặt ra mục tiêu “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong đó nói rõ: “quản lý di tích lịch sử văn hóa, hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại di tích, không để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích. Chấn chỉnh tình trạng buông lỏng quản lý di tích ở địa phương…”.

Trong tham luận của Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Di sản văn hóa Hưng Yên là một bộ phận quan trọng của di sản văn hoá dân tộc, là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho chúng ta. Đây là loại tài sản quý giá không thể thay thế, không thể tái sinh, nhưng lại rất dễ bị biến dạng và tổn thương trước tác động của các nhân tố tự nhiên và cách hành xử chưa đúng mực do chính con người gây ra…”.

Giờ đây, đáng nhớ nhất với chúng tôi là hình ảnh cụ Nguyễn Huy Nghiệp, 85 tuổi cầm trên tay cuốn “Thần sắc ngọc phả xã Mạn Trù, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên” tự hào kể, cuốn sách này được Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch ra từ bản gốc chữ Hán, hiện vẫn đang lưu tại Viện cho thấy đình làng mà nhân dân thôn Toàn Thắng đang đề nghị được khôi phục vốn là nơi thờ Trung Tông hoàng đế, con trai thứ ba của vua Lê Đại Hành.Thần sắc được soạn vào: “Niên hiệu Hồng phúc năm đầu (1572), tháng hai, ngày lành. Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn.

Hoàng triều niên hiệu Vĩnh Hựu năm đầu (1735), tháng tám ngày lành. Quản Giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền tuân theo bản chính mà chép”.

Khôi phục và gìn giữ được di sản đình Toàn Thắng chính là thể hiện sự trân trọng, tri ân đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp, lấy đó làm nội lực sức mạnh trong quá trình tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như tư duy, lý luận của Đảng về văn hóa đã đặt ra.

Theo phapluatxahoi.kinhtedothi.vn